Phiên họp toàn thể lần thứ 28 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Thứ Tư, 13/05/2020, 15:43 [GMT+7]
    Ngày 12/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì Phiên họp.
 
    Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Tài chính và Ngân sách; Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính và đại diện UBND Thành phố Đà Nẵng…
 
    Tại phiên họp, thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi), các đại biểu tán thành với việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín tới. Các quy định tại dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
 
Đồng chí Hoàng Thanh Tùng ,Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì Phiên họp
Đồng chí Hoàng Thanh Tùng ,Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì Phiên họp
    Các đại biểu cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, nỗ lực tiếp cận công nghệ mới của cơ quan chức năng để đề xuất luật hóa chính sách chuyển đổi phương thức quản lý cư trú của công dân từ sử dụng sổ giấy sang phương thức hiện đại bằng số định danh cá nhân; việc chuyển đổi phương thức quản lý dân cư này cũng phù hợp với định hướng khi ban hành Luật Căn cước công dân hiện hành (đến thời điểm nhất định sẽ tích hợp việc quản lý dân cư thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân). Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát các điều kiện bảo đảm việc thực hiện phương thức quản lý dân cư mới này, nhất là trong việc xác lập số định danh cá nhân cho tất cả công dân, xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ… để không gây xáo trộn trong cung cấp các dịch vụ công cho người dân.
 
    Đa số các đại biểu tham dự phiên họp đều tán thành với việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương, vì các điều kiện nhập cư mang tính hành chính này chỉ giúp hạn chế được việc nhập khẩu chứ không hạn chế được việc nhập cư. Việc đặt ra quy định về đăng ký thường trú, tạm trú ở các địa bàn này cũng tạo tâm lý kỳ thị của một bộ phận người dân. Hơn nữa, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương sẽ làm phức tạp thêm một số vấn đề về quản lý trật tự, an ninh trật tự, tội phạm, an toàn giao thông… nhưng về mặt tổng thể sẽ kích cầu thị trường lao động, thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị, cần cân nhắc thận trọng việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương, vì sẽ gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và một số hoạt động dịch vụ công đang được cung cấp dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân tại các thành phố này. Do vậy, khi cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các thành phố trực thuộc Trung ương so với các địa phương khác đang có sự chênh lệch đáng kể thì vẫn cần duy trì một số điều kiện đăng ký thường trú riêng, nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải với hạ tầng, phức tạp về an ninh, trật tự tại các địa bàn này.
                                                                                                       P.V
.