Banner

Mông Cổ tuyên bố 2023 là "năm chống tham nhũng"

Thứ Tư, 15/02/2023, 09:39 [GMT+7]
    Chính phủ Mông Cổ hôm 8/2 tuyên bố, năm 2023 là "năm chống tham nhũng", hướng tới mục tiêu GDP bình quân đầu người của Mông Cổ có thể lần đầu tiên vượt mức 5.000 USD.
 
    Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene đã chỉ thị cho tất cả quan chức liên quan đảm bảo thực hiện các biện pháp chống tham nhũng và hỗ trợ toàn diện trong cuộc chiến chống tham nhũng.
 
    "Các thành viên Chính phủ và cơ quan thực thi của Chính phủ phải đảm bảo thực hiện các hành động, biện pháp trong lĩnh vực chống tham nhũng và làm việc với sự hỗ trợ đầy đủ.
 
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ Mông Cổ được tổ chức vào ngày 8/2/2023, tại đó tuyên bố năm 2023 là
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ Mông Cổ được tổ chức vào ngày 8/2/2023, tại đó tuyên bố năm 2023 là "năm chống tham nhũng". Ảnh: mongolia.gov.mn
    Chính phủ Mông Cổ sẽ đi đầu trong các hoạt động chống tham nhũng, thực hiện 5 biện pháp chống tham nhũng và hướng tới mục tiêu ngăn chặn tham nhũng", tuyên bố của Chính phủ nêu rõ.
 
    Ông Khishgee Nyambaatar, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Nội vụ của Mông Cổ, đã thông báo với giới truyền thông sau cuộc họp thường kỳ của Chính phủ rằng, động thái này nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
 
    Trong khuôn khổ Năm Chống tham nhũng 2023, nước này dự kiến sẽ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc thông qua Luật Bảo vệ người tố cáo. Tổ chức phong trào ủng hộ việc tố cáo bằng mọi cách, xây dựng thái độ không khoan nhượng, không nhân nhượng với tham nhũng. Giảm tình trạng quan liêu và nhũng nhiễu trong các dịch vụ công, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và khu vực tư nhân.
 
    Biện pháp tiếp theo được nhắc tới là đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng. Đảm bảo những kẻ tham nhũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
 
    Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế có liên quan và luật pháp Mông Cổ, nước này sẽ truy bắt và trừng phạt những tội phạm tham nhũng chạy trốn, đồng thời phát hiện và thu hồi, trả lại những khoản tiền bất hợp pháp được cất giấu ở các khu vực nước ngoài.
 
    Minh bạch hóa hoạt động thu hồi tài sản và thu nhập do phạm tội mà có, tạo lập quỹ và xây dựng một hệ thống chi tiêu quỹ với sự tham gia giám sát của công chúng.
 
Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 cho thấy, Mông Cổ chỉ đạt 33/100, ghi nhận điểm thấp lịch sử. Nguồn: TI
Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 cho thấy, Mông Cổ chỉ đạt 33/100, ghi nhận điểm thấp lịch sử. Nguồn: TI
    Ngoài ra, tăng cường điện tử hóa, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức Chính phủ.
 
    Cải thiện môi trường pháp lý và luật pháp của các đảng phái chính trị, minh bạch hoạt động chính trị và tài chính của đảng phái chính trị.
 
    Tạo môi trường cạnh tranh có đạo đức và công bằng, đồng thời hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong sạch và minh bạch…
 
    Chính phủ ước tính, nếu các biện pháp chống tham nhũng này thành công, GDP bình quân đầu người của Mông Cổ có thể lần đầu tiên vượt mức 5.000 USD.
 
    Quyết tâm chống tham nhũng của Mông Cổ được đưa ra trong bối cảnh nước này trải qua thời gian dài "trượt dốc" trong các bê bối tham nhũng.
 
    Báo cáo vừa được công bố của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 cho thấy, Mông Cổ chỉ đạt 33/100, ghi nhận điểm CPI thấp lịch sử, giảm 4 điểm kể từ năm 2018, thuộc nhóm các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức sụt giảm CPI mạnh nhất trong một thập kỷ qua.
 
    Báo cáo của TI nêu, năm ngoái, Mông Cổ "đã thực hiện một số bước đầu tiên đầy hứa hẹn để xây dựng lại khuôn khổ chống tham nhũng, nhưng vẫn chưa đủ để chống lại các rủi ro tham nhũng đang diễn ra. Ở quốc gia giàu tài nguyên này, việc thiếu quy định đối với ngành công nghiệp nguyên liệu thô là đặc biệt nghiêm trọng".
 
Biểu tình phản đối tham nhũng của Chính phủ và lạm phát tăng cao tại Quảng trường Sukhbaatar, Thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ ngày 5/12/2022. Ảnh: REUTERS/B. Rentsendorj
Biểu tình phản đối tham nhũng của Chính phủ và lạm phát tăng cao tại Quảng trường Sukhbaatar, Thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ ngày 5/12/2022. Ảnh: REUTERS/B. Rentsendorj
    Các cuộc biểu tình phản đối tham nhũng là dấu ấn đen tối của Mông Cổ trong năm 2022.
 
    Làn sóng giận dữ của người biểu tình đã bùng phát vào tháng 12 năm ngoái, sau hàng loạt cáo buộc liên quan đến việc nhiều quan chức chính phủ thu lợi từ việc bán than đá bất hợp pháp cho Trung Quốc. Theo cơ quan chống tham nhũng của Mông Cổ, một số nhân vật có sức ảnh hưởng trong ngành công nghiệp than đá bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng hàng tỷ đô la từ ngân sách nhà nước.
 
    Bên cạnh đó, người biểu tình cũng bày tỏ sự thất vọng trước sự suy yếu của nền kinh tế nước nhà, với mức lạm phát tăng vọt lên 15,2% sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine diễn ra.
 
    Họ phẫn nộ khi cho rằng, rất nhiều quan chức Chính phủ và chính trị gia có cuộc sống giàu sang, xa xỉ, đối lập hoàn toàn với tình trạng hiện nay của đất nước và đời sống người dân.
 
    Theo TI, Chính phủ nước này phải thực hiện một số bước để cải thiện tình hình, bao gồm sửa đổi Luật Mua sắm, loại bỏ các quan chức tham nhũng khỏi các cơ quan công quyền, tiêu chuẩn hóa việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước và cải thiện tính minh bạch ở mọi cấp độ để ngăn chặn các đại diện do nhà nước chỉ định có hành vi tham nhũng mà không bị trừng phạt.
Theo Báo Thanh tra
.
.