Banner

Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2022: Những điểm nổi bật

Thứ Hai, 06/02/2023, 10:47 [GMT+7]
    124 quốc gia không có tiến bộ trong chống tham nhũng; hơn 2/3 số quốc gia (68%) có điểm dưới 50 và điểm trung bình toàn cầu không thay đổi - ở mức 43. Những con số được đưa ra trong báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) mới nhất cho thấy những thách thức và yêu cầu cấp thiết phải hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp.
 
    Ngày 31/1/2023, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố CPI năm 2022, tại đó nhấn mạnh, đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu và các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng trên toàn cầu đang thúc đẩy một làn sóng bất ổn mới. Trong một thế giới vốn đã bất ổn, các quốc gia không giải quyết được vấn đề tham nhũng càng làm trầm trọng thêm những tác động.
    
Ảnh minh họa: Amy Chiniara/Transparency International. Nguồn: Shutterstock
Ảnh minh họa: Amy Chiniara/Transparency International. Nguồn: Shutterstock
    CPI năm nay cho thấy, 124 quốc gia được đánh giá ở mức độ trì trệ, “dậm chân tại chỗ” trong chống tham nhũng, trong khi số quốc gia suy giảm đang gia tăng. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất, vì hòa bình toàn cầu đang xấu đi và tham nhũng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của việc này.
 
    Tham nhũng và xung đột nuôi dưỡng lẫn nhau, đe dọa nền hòa bình lâu bền. Một mặt, xung đột tạo ra môi trường cho tham nhũng - bất ổn chính trị, áp lực gia tăng đối với các nguồn lực và các cơ quan giám sát yếu kém tạo cơ hội cho tội phạm, chẳng hạn như hối lộ và tham ô.
 
    Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các quốc gia ở dưới cùng của bảng xếp hạng CPI hiện đang trải qua xung đột vũ trang hoặc gần đây đã xảy ra xung đột.
 
    Mặt khác, ngay cả trong các xã hội hòa bình, tham nhũng và sự miễn trừ trừng phạt có thể khiến bạo lực lan rộng bằng cách thúc đẩy bất bình xã hội. Và, việc bòn rút các nguồn lực cần thiết của các cơ quan an ninh khiến các nhà nước không thể bảo vệ người dân, duy trì luật pháp. Do đó, các quốc gia có mức độ tham nhũng cao hơn nhiều khả năng cũng có mức độ tội phạm có tổ chức cao hơn và các mối đe dọa an ninh gia tăng.
 
    Trong môi trường phức tạp này, chống tham nhũng, thúc đẩy minh bạch và củng cố các thể chế là rất quan trọng để tránh xung đột hơn nữa và duy trì nền hòa bình.
 
    Những con số nổi bật
 
    CPI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Điểm số phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh, sử dụng thang điểm từ 0 đến 100, trong đó số 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch.
 
    Báo cáo CPI 2022 cho thấy, hơn 2/3 quốc gia (68%) có điểm dưới 50 và điểm trung bình toàn cầu không thay đổi ở mức 43.
 
    Kể từ năm 2012, 25 quốc gia đã cải thiện đáng kể điểm số của mình, nhưng trong cùng thời kỳ, 31 quốc gia đã giảm đáng kể.
 
Các nước đứng đầu và cuối bảng xếp hạng CPI 2022. Nguồn: TI
Các nước đứng đầu và cuối bảng xếp hạng CPI 2022. Nguồn: TI
     Các quốc gia có thể chế mạnh và nền dân chủ hoạt động tốt vẫn tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng CPI. Đan Mạch đứng vị trí số 1 với số điểm 90. Phần Lan và New Zealand theo sát với số điểm 87. Na Uy (84), Singapore (83), Thụy Điển (83), Thụy Sĩ (82), Hà Lan (80), Đức (79), Ireland (77) và Luxembourg (77) là những quốc gia còn lại của top 10 trong sạch nhất năm nay.
 
    Ở phía ngược lại, các quốc gia đang trải qua xung đột hoặc nơi các quyền tự do cá nhân và chính trị cơ bản bị hạn chế có xu hướng bị điểm thấp nhất. Năm nay, Somalia (12), Syria (13) và Nam Sudan (13) đứng cuối bảng xếp hạng. Venezuela (14), Yemen (16), Libya (17), Haiti (17), Guinea Xích Đạo (17) và Burundi (17) cũng nằm trong nhóm 10 nước tham nhũng nhất.
 
    Những vấn đề cần quan tâm
 
    Theo TI, nhìn chung, CPI cho thấy mức độ tham nhũng đã không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn ở 86% quốc gia trong thập kỷ qua.
 
    Trong 5 năm qua (2018-2022), chỉ có 8 quốc gia cải thiện đáng kể điểm số, còn 10 quốc gia tụt hạng nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả những quốc gia có thứ hạng cao như Áo (71), Luxembourg (77) và Vương quốc Anh (73).
 
    Xung đột và tham nhũng
 
    Tham nhũng là mối đe dọa cơ bản đối với hòa bình và an ninh. Nhiều lần người ta đã chứng minh rằng, tham nhũng không chỉ là hậu quả mà còn là nguyên nhân của xung đột, thúc đẩy xung đột theo nhiều cách.
 
    Tham nhũng tạo ra những bất bình mới trong xã hội, hoặc thúc đẩy những bất bình hiện có, bằng cách phá hoại các thể chế quốc phòng và an ninh, và làm xói mòn tính hợp pháp của nhà nước.
 
    Nó cũng có thể cho phép giới tinh hoa của một quốc gia gây ảnh hưởng bất hợp pháp, gieo rắc sự bất ổn và làm suy yếu các thể chế chính phủ ở nước ngoài như một cách để đạt được kết quả thuận lợi. Việc sử dụng tham nhũng như một vũ khí chính sách đối ngoại cũng đã trở thành một cách để làm suy yếu nền dân chủ ở nước ngoài.
 
    Chuyển hướng các nguồn lực công ra khỏi lợi ích chung để mang lại lợi ích cho các nhóm đặc biệt có thể gây ra sự bất bình trong người dân. Kết quả là những bất bình có khả năng dẫn đến xung đột khi chúng xảy ra đồng thời với sự chênh lệch trong việc phân bổ quyền lực chính trị và kinh tế theo ranh giới sắc tộc hoặc nhóm khác.
 
    Tham nhũng, loại trừ và phân biệt đối xử hoàn toàn làm tăng nguy cơ bùng phát bạo lực, khiến chúng khó kiểm soát hơn một khi bùng phát.
 
Từ năm 2012-2022, có 25 quốc gia cải thiện tốt, 31 quốc gia suy giảm và 124 quốc gia
Từ năm 2012-2022, có 25 quốc gia cải thiện tốt, 31 quốc gia suy giảm và 124 quốc gia "dậm chân tại chỗ" về CPI. Nguồn: TI
    Theo bà Delia Ferreira Rubio - Chủ tịch TI: "Tham nhũng đã làm cho thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn. Khi các chính phủ cùng nhau thất bại trong việc đạt được tiến bộ trong việc chống lại tham nhũng, họ đã thúc đẩy bạo lực và xung đột gia tăng hiện nay - và gây nguy hiểm cho mọi người ở khắp mọi nơi. Lối thoát duy nhất là các quốc gia phải nỗ lực hết sức, nhổ tận gốc nạn tham nhũng ở tất cả các cấp để đảm bảo chính phủ làm việc vì tất cả mọi người...".
 
    Cũng theo TI, tham nhũng làm suy yếu khả năng bảo vệ công dân của nhà nước. Việc sử dụng sai mục đích hoặc trộm cắp công quỹ có thể tước đi trách nhiệm của các tổ chức đảm bảo an ninh cho các nguồn tài nguyên mà họ cần. "Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng, các cơ quan thực thi pháp luật và quốc phòng yếu kém khiến một quốc gia khó đảm bảo quyền kiểm soát lãnh thổ của mình và ngăn chặn các mối đe dọa bạo lực, bao gồm cả khủng bố", TI nhấn mạnh.
 
    Tham nhũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập hòa bình và an ninh ở Afghanistan (24 điểm CPI). Nó làm suy yếu tính hợp pháp và khả năng của Chính phủ Afghanistan, giảm sức mạnh quân đội, đồng thời chuyển các nguồn lực và củng cố sự ủng hộ của người dân cho Taliban, theo TI.
 
    Tham nhũng với mối đe dọa an ninh
 
    Tại Myanmar, với việc quân đội củng cố quyền lực sau cuộc đảo chính năm 2021, quốc gia này đã giảm 5 điểm CPI trong năm 2022 xuống còn 23 điểm.
 
    Điểm CPI của Mali (28) đã giảm 7 điểm kể từ năm 2015. Mặc dù tham nhũng không phải là nguyên nhân dẫn đến xung đột, nhưng sự chia rẽ đằng sau bạo lực đã được củng cố qua nhiều năm quản lý yếu kém và sự thờ ơ với hoàn cảnh của một số nhóm nhất định trong xã hội Mali. Những bất bình phần lớn xuất phát từ nạn tham nhũng, điều này cũng đã ngăn cản nhà nước đảm bảo an ninh ở mọi nơi trên lãnh thổ của mình.
 
    Đối với Iran, điểm số CPI 3 năm liền ở mức thấp lịch sử là 25. Căng thẳng trong nước gia tăng do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế và bất bình về tham nhũng.
 
    Miễn trừ trừng phạt và tội phạm có tổ chức
 
    Tham nhũng thúc đẩy sự miễn trừ trừng phạt và làm suy yếu tính hợp pháp của nhà nước. Bằng cách ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật, tòa án và hệ thống nhà tù, tham nhũng làm suy yếu pháp quyền và nguyên tắc cơ bản về bình đẳng trước pháp luật.
 
    Tội phạm thường được hỗ trợ bởi sự đồng lõa của các công chức, cảnh sát, công tố viên và thẩm phán tham nhũng, điều này cho phép chúng hoạt động mà không bị trừng phạt.
 
    Ở những nơi có mức độ tham nhũng cao, tiền bạc và ảnh hưởng có thể quyết định vụ việc nào được "làm điểm" hay xóa bỏ, ai bị trừng phạt và ai được tự do.
 
    Đây là một yếu tố kích hoạt chính của tội phạm có tổ chức và khủng bố. Nó cũng gây mất niềm tin vào nhà nước, đồng nghĩa với việc người dân tố cáo tội phạm và bạo lực ít hơn - gây khó khăn cho việc giải quyết những vấn đề này. Nó cũng đe dọa khả năng hòa giải xung đột hoặc đàm phán hòa bình lâu dài của các chính phủ.
 
    Tham nhũng và khả năng chống tội phạm có tổ chức
 
    Với số điểm 20, Cộng hòa Dân chủ Congo nằm trong số 15 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Bối cảnh chính trị bất ổn và nạn tham nhũng ăn sâu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Các lực lượng quốc phòng, an ninh được quản lý yếu kém phải vật lộn để đương đầu với những thách thức như vậy và tình trạng tham nhũng lấy đi nguồn lực làm suy yếu phản ứng của nhà nước.
 
    Serbia (36 điểm) tiếp tục chuỗi giảm điểm và đạt điểm thấp nhất về CPI trong 10 năm qua. Quốc gia này được cho là đã chậm trong việc giải quyết vấn đề tội phạm có tổ chức, và các cơ quan chịu trách nhiệm thiếu nguồn lực và sự độc lập đầy đủ. Cơ quan tư pháp của Serbia bị tác động nặng nề bởi những người có ảnh hưởng chính trị, làm suy yếu nghiêm trọng tiến trình xử lý các vụ tội phạm có tổ chức, bao gồm cả những vụ chỉ ra sự tham gia của các quan chức cấp cao.
 
    Những gì cần được thực hiện
 
    Theo TI, đối phó với các mối đe dọa mà tham nhũng gây ra cho nền hòa bình và an ninh phải là nhiệm vụ trọng tâm của các nhà lãnh đạo chính trị. Ưu tiên tính minh bạch, giám sát và sự tham gia đầy đủ, có ý nghĩa của xã hội dân sự, các chính phủ nên:
 
    1. Tăng cường kiểm tra và sự cân bằng, thúc đẩy phân chia quyền lực. Các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan giám sát phải có đủ nguồn lực và sự độc lập để thực hiện nhiệm vụ của mình. Các chính phủ cần tăng cường kiểm soát thể chế để quản lý rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, như được xác định trong chỉ số liêm chính về quốc phòng của Chính phủ (GDI).
 
    2. Chia sẻ thông tin và duy trì quyền truy cập thông tin đó. Đảm bảo công chúng nhận được thông tin có thể truy cập, kịp thời và có ý nghĩa, bao gồm cả chi tiêu công và phân bổ nguồn lực. Phải có các hướng dẫn chặt chẽ và rõ ràng để quản lý thông tin nhạy cảm, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng.
 
    3. Hạn chế ảnh hưởng của tư nhân bằng cách điều chỉnh hoạt động vận động hành lang và thúc đẩy quyền truy cập mở vào quá trình ra quyết định. Các chính sách và nguồn lực nên được quyết định bởi quy trình công bằng và công khai. Các biện pháp như thiết lập sổ đăng ký công khai bắt buộc của những người vận động hành lang, cho phép công chúng giám sát các tương tác vận động hành lang và thực thi những quy định về xung đột lợi ích mạnh mẽ là rất cần thiết.
 
    4. Chống các hình thức tham nhũng xuyên quốc gia. Các quốc gia đạt điểm CPI cao nhất cần kiểm soát bí mật doanh nghiệp, hối lộ nước ngoài và sự đồng lõa với những người hỗ trợ nghề nghiệp, chẳng hạn như chủ ngân hàng và luật sư. Họ cũng phải tận dụng những cách làm việc cùng nhau mới để đảm bảo rằng các tài sản bất hợp pháp có thể được truy tìm, điều tra, tịch thu và trả lại cho các nạn nhân một cách hiệu quả.
 
Năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42
Năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42
    Trong đánh giá CPI 5 năm gần đây (ảnh trên), cùng với Angola, Maldives, Moldova và Hàn Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới có những cải thiện tích cực mạnh mẽ nhất, với mức tăng 9 điểm kể từ năm 2018.
 
    Tại bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước năm qua đã được ghi nhận.
Theo Báo Thanh tra
.
.