Tham nhũng gây thiệt hại hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm

Thứ Bảy, 03/04/2021, 06:23 [GMT+7]
    Bà Ghada Waly, Giám đốc Điều hành của Văn phòng Liên hợp quốc về Chống ma túy và tội phạm (UNODC), cho biết, tham nhũng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm.
 
    Phát biểu của bà Waly được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến diễn ra ngày 28/3, có chủ đề “Liêm chính: Con đường phát triển, hội nhập và thịnh vượng” do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức tại Ai Cập.
 
Bà Ghada Waly, Giám đốc Điều hành UNODC. Ảnh: Daily News Egypt
Bà Ghada Waly, Giám đốc Điều hành UNODC. Ảnh: Daily News Egypt
    Bà Ghada Waly khẳng định rằng, đấu tranh và phòng chống tham nhũng có nghĩa quan trọng được nâng cao ưu tiên trong chương trình nghị sự toàn cầu, và hơn bao giờ hết, vào năm 2021. Đặc biệt là khi số tiền này (số tiền bị mất do tham nhũng) đáng ra có thể được đầu tư cho sự phát triển.
 
    Cũng theo bà Waly, tham nhũng dẫn đến chi phí tài chính lớn, làm sâu sắc thêm bất bình đẳng và làm ảnh hưởng đến vai trò của luật pháp.
 
    Bà Waly lưu ý, công cuộc chống tham nhũng cũng là một ưu tiên rõ ràng của Ai Cập trong vài năm qua; đồng thời thông báo rằng, Ai Cập sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 9 của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh vào tháng 12/2021.
 
    “Đại dịch coronavirus (COVID-19) đã tạo ra những cơ hội mới cho kẻ tham nhũng lợi dụng, vì vậy cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta phải mang tính chiến lược, có hệ thống và duy trì lâu dài”, bà Waly nói, đồng thời nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), cần thiết phải giải quyết vấn đề tham nhũng như một thành phần thiết yếu của sự phát triển.
 
    Giám đốc Điều hành UNODC khẳng định, chi phí kinh tế do tham nhũng gây ra là một mối đe dọa chủ yếu trong cơ cấu xã hội. Nó đánh cắp các nguồn lực ra khỏi lợi ích công cộng và thu lợi bất hợp pháp của tư nhân, điều này đã xóa bỏ lòng tin của công chúng đối với các thể chế và làm xói mòn vai trò của luật pháp.
 
    Trong một môi trường như vậy, tội phạm và xung đột có thể xảy ra và đầu tư, giao dịch có khả năng bị rút lại.
 
    Bà Waly giải thích rằng, tham nhũng tạo điều kiện cho các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động xuyên biên giới và tiến hành các tội ác của chúng. Điều này bao gồm các hình thức buôn bán khác nhau, trong đó có buôn bán người, ma túy và súng.
 
    Đáng chú ý, tham nhũng có thể cung cấp các kênh tài trợ cho khủng bố, bao gồm cả việc cung cấp lợi nhuận cho các doanh nghiệp tội phạm. Bên cạnh đó, bà Waly chỉ ra rằng, tham nhũng có thể bóp nghẹt các cơ hội phát triển kinh tế cho thanh niên, khiến họ có ít triển vọng hơn và nhiều khả năng tham gia các nhóm khủng bố hơn.
 
    Lãnh đạo UNODC cũng lưu ý, trong quá trình triển khai chương trình tiêm phòng vắc xin COVID-19, với các quy trình hiện đang được tiến hành, vắc xin có thể bị đánh cắp và bản thân quy trình tiêm chủng có thể khuyến khích việc thao túng.
 
    Điều này xảy ra bên cạnh những mối đe dọa do sản xuất thuốc và vắc xin gây ra, và sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức trong việc sản xuất, buôn bán các loại vắc xin này.
 
    Bà Waly nói thêm rằng, sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ hạn chế khả năng tiếp cận công lý, chăm sóc sức khỏe và cứu trợ kinh tế đối với một số người so với những người khác. Các nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, những người sống trong cảnh nghèo đói và người khuyết tật.
 
    Cũng theo bà Waly, trong tháng 3 này, thế giới đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, đây là cơ hội quan trọng để nhận ra sự bất bình đẳng mà phụ nữ vẫn phải đối mặt.
 
    Bà Waly tuyên bố, có mối tương quan trực tiếp giữa tham nhũng và bất bình đẳng giới.
 
    Tham nhũng ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ theo cách khác nhau và dẫn đến việc phụ nữ bị loại khỏi vai trò ra quyết định. Nó cũng khẳng định những định kiến xã hội tiêu cực và hạn chế triển vọng kinh tế cũng như cơ hội giáo dục của phụ nữ, bà Waly nói.
Ngọc Anh
(Báo Thanh tra)
.