Họp Tổ Biên tập xây dựng Đề án: Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Thứ Sáu, 09/07/2021, 20:15 [GMT+7]
 
    Chiều ngày 09/7/2021, tại Hà Nội, Tổ Biên tập xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã họp để tham gia ý kiến vào các dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án, Đề cương, Đề án và Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của thành viên Ban Chỉ đạo đối với các dự thảo Kế hoạch và Đề cương đề án. Các đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập đồng chủ trì cuộc họp.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị. Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chụp ảnh cùng Tổ Biên tập xây dựng Đề án
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chụp ảnh cùng Tổ Biên tập xây dựng Đề án
    Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung thảo luận về các nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của thành viên Ban Chỉ đạo đối với các dự thảo Kế hoạch và Đề cương đề án; về quan điểm xây dựng Đề án; phạm vi nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; về nội dung nghiên cứu và thống nhất số lượng, tên các chuyên đề phục vụ cho việc tổng kết Đề án; về mốc thời gian hoàn thành các chuyên đề của Đề án... Theo đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung và nhấn mạnh quan điểm xây dựng Đề án là hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phục vụ nhân dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án là nhằm hoàn thiện, không phải là xây dựng mới hay đưa ra một mô hình mới về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, do đó, cần tiếp thu các quan điểm, tinh hoa thế giới về nhà nước pháp quyền song cần đánh giá kỹ thực trạng xây dựng NNPQ tại Việt Nam trong thời gian qua để đưa ra những quan điểm xây dựng NNPQ XHCN phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời gian tới, tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.
 
    Đa số các ý kiến thống nhất với tên, nội dung các chuyên đề, song có ý kiến đề nghị gộp chung một số chuyên đề và rà soát lại một số nội dung nhỏ trong các chuyên đề để tránh trùng lặp, chồng chéo (Chuyên đề của Ban cán sự đảng Chính phủ, chuyên đề của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước); bổ sung thêm chuyên đề
 
"Tác động của hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với quá trình xây dựng NNPQ XHCN tại Việt Nam trong thời gian tới". Có ý kiến đề nghị nêu rõ yêu cầu "đặt hàng"; các chuyên đề là phải nêu bật được sự đổi mới trong các lĩnh vực để khắc phục những hạn chế, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.
 
    Về phạm vi nghiên cứu: Đa số các ý kiến tán thành với mốc thời gian từ năm 1991 đến nay; song có thể linh động và tách biệt giữa thời gian nghiên cứu về lý luận (có thể từ năm 1986 đến nay) và thời gian nghiên cứu về thực trạng (nên tập trung từ Hiến pháp năm 2013 đến nay hoặc từ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, do từ Đại hội XII của Đảng đến nay có nhiều cải cách lớn về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị).
 
    Về thời gian hoàn thành các chuyên đề: Đa các số ý kiến đề nghị lùi thời gian hoàn thành để bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện đề án; trong đó, các chuyên đề nghiên cứu lý luận nên hoàn thành trước 31/11/2021; các chuyên đề đánh giá thực trạng, khảo sát nên hoàn thành trước ngày 28/02/2022.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
.