Quảng Bình thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng

Thứ Sáu, 12/06/2020, 05:45 [GMT+7]
    Thực hiện Điều 27, 28, 29 tại Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018; Chỉ thị số 02/CT-TU, ngày 07/6/2006 về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và Chương trình hành động số 19/CTr-TU, ngày 22/10/2007 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hằng năm, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động cụ thể đối với công tác cải cách hành chính (CCHC); gắn kết quả thực hiện công tác CCHC với trách nhiệm của người đứng đầu theo Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 03/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đã xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính Nhà nước; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh thường xuyên được đổi mới và nâng cao chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản QPPL luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, tạo hành lang pháp lý, hệ thống thể chế hành chính được hoàn thiện phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng xong Bộ phận một cửa liên thông hiện đại ở 07/08 đơn vị cấp huyện (huyện Quảng Trạch mới chia tách chưa xây dựng) và 02 đơn vị cấp xã (UBND xã Bảo Ninh và UBND phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới), duy trì hoạt động bộ phận một cửa tại 12/20 sở, ngành và 155 UBND cấp xã. Hiện nay, đang triển khai thực hiện dự án "Dân chấm điểm M-Score" đối với Bộ phận Một cửa tại UBND 08 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao, hằng năm, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ biên chế kịp thời cho các cơ quan, đơn vị, địa phương nên nhìn chung việc quản lý, sử dụng biên chế đảm bảo các quy định hiện hành. 
 
Một cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình
Một cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình
    Đồng thời, xác định rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin hiện đại trong công tác quản lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm hiện đại hóa hành chính. Đến hết năm 2017, đã lắp đặt và nâng cấp hệ thống mạng LAN, đường truyền Internet tốc độ cao cho 100% sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện; 98% cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính; 98% sở, ngành, đơn vị cấp huyện đã được kết nối mạng số liệu chuyên dùng; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tỉnh đã được ứng dụng tại 35 cơ quan, đơn vị, địa phương, với 80% cơ quan, đơn vị thực hiện quét văn bản đi, đến; 60% cơ quan, đơn vị xử lý văn bản trên môi trường mạng; 40% cơ quan, đơn vị cập nhật lịch công tác của lãnh đạo và cơ quan; 3.892 cán bộ, công chức (đạt 90%) được cấp địa chỉ thư công vụ, 40% cán bộ, công chức sử dụng thư công vụ để trao đổi văn bản trên môi trường mạng; 35 sở, ban, ngành, địa phương có Trang thông tin điện tử theo quy định. Việc trả lương qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, các tổ chức và doanh nghiệp vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình phối hợp với Kho bạc Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và thực hiện. Tính đến 30/9/2015, toàn tỉnh đã lắp đặt được 88 máy ATM và 373 máy POS; phát hành 277.960 thẻ ATM, trong đó 29.211 thẻ là của các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước; dịch vụ thanh toán qua POS đã có bước phát triển, doanh số thanh toán qua POS đạt 174 tỷ.
 
    Mặc dù chưa đạt được hiệu quả tối ưu, nhưng với những kết quả trên cho thấy các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Đảng bộ tỉnh Quảng Bình quan tâm thực hiện và triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, ứng dụng hoa học, công nghệ trong quản  lý và thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý, sử dụng tài sản công... Đã huy động được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Những kết quả này có ý nghĩa thiết thực và quan trọng để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng của tỉnh thời gian tới.
                Lê Hà Anh Tâm
                                       (Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)
.