Trách nhiệm, thẩm quyền và tính độc lập của Thanh tra trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng

Thứ Năm, 01/05/2014, 19:22 [GMT+7]
Theo quy định của Luật PCTN, hành vi tham nhũng có thể được phát hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau, như: Công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử của cơ quan chức năng; hoạt động giám sát của các cơ quan, đại biểu dân cử; công tác giải quyết tố cáo. Việc xử lý hành vi tham nhũng bao gồm xử lý hành chính, hình sự đối với người có hành vi tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, buộc bồi thường thiệt hại, buộc khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước liên quan đến nhiều phương thức khác nhau trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Có phương thức trong đó cơ quan thanh tra có quyền chủ động cao như công tác tự kiểm tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình; có phương thức lại phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp như: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Mặt khác, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCTN thuộc trách nhiệm của ngành thanh tra cũng bao gồm nhiều nội dung có liên quan đến việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng…
 
1. Trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng
Đối với các cơ quan thanh tra nhà nước, việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng là một trong những trách nhiệm quan trọng và nặng nề. Trách nhiệm đó biểu hiện cụ thể như sau:
 
Một là, chủ động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng
Luật thanh tra năm 2010 (Điều 2) quy định: “Mục đích thanh tra nhằm phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật... bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mục đích phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung thì chưa đủ mà cơ quan thanh tra còn có trách nhiệm phải chủ động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Luật PCTN (Điều 62) quy định: “Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.
Đối với cơ quan thanh tra, chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng không phải là đợi cấp trên giao cho vụ việc, chỉ đạo thanh tra một đối tượng nào đó hoặc đợi có thông tin tố cáo, phản ánh về dấu hiệu tham nhũng mới thực hiện các thủ tục để tiến hành thanh tra, mà cơ quan thanh tra nhà nước phải chủ động định hướng hoạt động thanh tra của mình vào những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng hoặc những khâu quan trọng của quản lý, dễ xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực hoặc có nhiều sơ hở, có thể tạo điều kiện cho những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Việc chủ động này phải được đặt ra ngay từ khi hoạch định chương trình, kế hoạch công tác thanh tra của ngành thanh tra nói chung và từng cơ quan thanh tra nhà nước nói riêng; đồng thời, phải cụ thể hóa khi xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định thanh tra đối với những cuộc thanh tra cụ thể. Trong quá trình thanh tra, trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng cũng luôn phải đặt ra, gắn với mục tiêu phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung. Khi đã phát hiện vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thì trong phạm vi thẩm quyền của mình, thanh tra phải “cá thể hóa” trách nhiệm; đồng thời, làm rõ biểu hiện vụ lợi của những người có liên quan trong vụ việc, để có thể kết luận được hành vi tham nhũng, từ đó xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của người thực hiện hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng.
Thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình khi kết luận, xử lý hành vi tham nhũng. Quyết định của thanh tra trong trường hợp này phải được hiểu bao gồm:
 
- Khi kết luận một hành vi là tham nhũng thì thanh tra phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan. Nếu kết luận sai thì những người có liên quan đến việc đưa ra kết luận phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngược lại, nếu một hành vi là tham nhũng nhưng thanh tra lại không đưa ra kết luận hoặc kết luận là một hành vi vi phạm pháp luật khác thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc mà thanh tra có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ví dụ, đã có đủ căn cứ, điều kiện để kết luận về hành vi tham nhũng mà không kết luận thì có nghĩa là thanh tra đã bỏ lọt hành vi tham nhũng. Hoặc khi phát hiện được dấu hiệu vi phạm pháp luật, tuy có điều kiện nhưng thanh tra đã không tập trung làm rõ về động cơ vụ lợi, không cá thể hóa trách nhiệm... dẫn tới không kết luận được về hành vi tham nhũng thì cũng có nghĩa là thanh tra đã không hoàn thành trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật. 
 
- Thanh tra đã được pháp luật trao những quyền hạn nhất định để có thể áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người có hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng và buộc khắc phục những hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra. Do đó, khi đã phát hiện hành vi tham nhũng, thanh tra có trách nhiệm phải áp dụng những biện pháp đó theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền để xử lý. Nếu áp dụng sai các biện pháp xử lý thì thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí nếu áp dụng sai và gây thiệt hại cho đối tượng
bị xử lý thì còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu không áp dụng hoặc áp dụng không kịp thời, không tương xứng các biện pháp xử lý đối với hành vi tham nhũng dẫn đến xảy ra hậu quả làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân thì thanh tra cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Hai là, trách nhiệm phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng
Theo quy định tại Điều 7 của Luật PCTN, thì cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có liên quan trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng.  Thông qua hoạt động thanh tra, cơ quan Thanh tra có thể phát hiện, kết luận về hành vi tham nhũng và áp dụng một số biện pháp xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra có thể liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền khác, nhất là đối với những hành vi tham nhũng nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm hoặc khi phải xử lý tài sản, xử lý cán bộ liên quan đến tham nhũng. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu là thanh tra phải phối hợp với các cơ quan liên quan mới có thể thực hiện có hiệu quả và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Trách nhiệm phối hợp giữa thanh tra với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng không phải chỉ đặt ra ở một thời điểm cụ thể nào đó trong quá trình thanh tra mà được đặt ra trong suốt quá trình xem xét, xử lý hành vi tham nhũng. Có hoạt động phối hợp cần phải tiến hành trước khi triển khai thanh tra, như việc trao đổi thông tin, tài liệu về dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng của đối tượng thanh tra; có hoạt động phối hợp phải thực hiện trong khi tiến hành hoạt động thanh tra. Ví dụ, trong việc kết luận về một hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm để chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra, đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu thấy cần thiết thì trước khi kết luận, kiến nghị khởi tố, cơ quan thanh tra có thể tổ chức họp với liên ngành gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá những tài liệu đã thu thập được. Nếu thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm thì cơ
quan thanh tra sẽ chuyển hồ sơ và kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố vụ án và điều tra theo quy định của pháp luật(1). Thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp trong trường hợp này còn khắc phục được tình trạng thanh tra kết luận hành vi vi phạm là tham nhũng, là có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị Cơ quan điều tra khởi tố nhưng sau đó Cơ quan điều tra lại cho rằng vụ việc chỉ là vi phạm hành chính. Ngược lại, có vụ việc thanh tra cho rằng là  vi phạm hành chính, không phải là tội phạm tham nhũng nhưng thực chất lại là hành vi phạm tội tham nhũng... 
Tuy nhiên, trách nhiệm phối hợp chủ yếu được đặt ra sau khi hoạt động thanh tra đã kết thúc. Khi phát hiện, kết luận về dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra phải phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu để Cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý. Hoặc khi thanh tra kết luận, kiến nghị việc xử lý cán bộ vi phạm, thu hồi tài sản tham nhũng... thì thanh tra phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như cơ quan quản lý cán bộ, quản lý tài chính để việc bảo đảm những kiến nghị của thanh tra được thực hiện và việc xử lý hành vi tham nhũng đạt hiệu quả.
 
Ba là, trách nhiệm bảo đảm thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra đối với hành vi tham nhũng Đối với các cuộc thanh tra do Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định, khi phát hiện hành vi, tài sản tham nhũng, cơ quan thanh tra có thể áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra (ví dụ, ra quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra, chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang Cơ quan điều tra…). Trong trường hợp đối tượng bị xử lý không chấp hành quyết định thu hồi tài sản hoặc có biểu hiện tẩu tán tài sản thì cơ quan thanh tra có nhiệm vụ phải yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó. Các biện pháp thu hồi tài sản, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra hay phong tỏa tài khoản nêu trên thường được hiểu là quyền của cơ quan thanh tra nhưng thực tế đó không chỉ là quyền mà quan trọng hơn còn là nhiệm vụ (Điều 48 Luật thanh tra năm 2010), tức là trách nhiệm của cơ quan thanh tra. Trường hợp cơ quan thanh tra không làm tốt trách nhiệm này, để cho đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản tham nhũng, bằng chứng phạm tội… thì cơ quan thanh tra đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Mặt khác, trong thực tiễn hoạt động thanh tra, nhiều trường hợp thanh tra phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và chuyển hồ sơ kiến nghị Cơ quan điều tra khởi tố, nhưng sau đó Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố, thậm chí có thể có trường hợp Cơ quan điều tra đã khởi tố theo kiến nghị của thanh tra nhưng Viện kiểm sát lại hủy bỏ quyết định khởi tố. Trong các trường hợp nêu trên, nếu cơ quan thanh tra không đồng ý với quyết định không khởi tố của Cơ quan điều tra thì có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cùng cấp và báo cáo Cơ quan điều tra cấp trên; trường hợp không đồng ý với quyết định của Viện kiểm sát thì có quyền kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp(2). Do việc kiến nghị, báo cáo là “quyền” nên trong một vụ việc vi phạm pháp luật nói chung thì cơ quan thanh tra có thể lựa chọn việc kiến nghị, báo cáo hoặc sẽ không kiến nghị, báo cáo cho dù không đồng ý với quyết định của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát. Tuy nhiên, trong các vụ việc mà cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố hành vi tham nhũng, nếu không đồng ý với quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà cơ quan thanh tra không thực hiện quyền kiến nghị, báo cáo của mình theo quy định thì thực chất là chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong việc chủ động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. 
Sau khi có kết luận thanh tra, các quyết định xử lý sau thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình còn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý đó. Đây là trách nhiệm nhưng cũng chính là cơ chế bảo đảm cho việc xử lý vi phạm nói chung và xử lý hành vi tham nhũng nói riêng được thực hiện nghiêm túc theo đúng kết quả thanh tra. 
 
2. Thẩm quyền và tính độc lập của thanh tra trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
Trong hoạt động thanh tra, liên quan đến việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, có những vấn đề thanh tra có toàn quyền xem xét, kết luận và định đoạt trên cơ sở quy định của pháp luật. Chẳng hạn, khi phát hiện hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng, cơ quan thanh tra đã ban hành quyết định thanh tra có quyền kết luận về người đã thực hiện hành vi tham nhũng, giá trị tài sản tham nhũng, đồng thời, ra quyết định thu hồi số tài sản bị tham nhũng đó trả về cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề thanh tra có quyền “xem xét, kết luận” nhưng phải kiến nghị người có thẩm quyền “định đoạt”. Ví dụ, việc kiến nghị khởi tố hình sự đối với người có hành vi phạm tội tham nhũng hoặc kiến nghị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng. 
Như vậy, tính độc lập trong hoạt động thanh tra chỉ biểu hiện qua các quy định về vị trí, chức năng, thẩm quyền… của cơ quan thanh tra. Căn cứ quy định của Luật thanh tra năm 2010, có thể thấy rằng, tính độc lập của thanh tra chỉ là tương đối, hoạt động thanh tra là một chức năng thiết yếu trong quản lý nhà nước, quản lý nhà nước không thể thiếu hoạt động thanh tra và thanh tra không thể hoàn toàn biệt lập, tách rời quản lý nhà nước. 
 
3. Một số vấn đề đặt ra liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền, tính độc lập của thanh tra trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng
Mặc dù quy định pháp luật hiện hành xác định thanh tra có trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng (tương tự như xác định trách nhiệm của các cơ quan: Kiểm toán Nhà nước, điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án). Tuy nhiên, với địa vị pháp lý của ngành thanh tra như hiện nay thì việc chủ động này còn có những trở ngại nhất định. Nói cách khác, thẩm quyền, tính độc lập của thanh tra chưa tương xứng với trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng mà thanh tra được giao. Điều đó biểu hiện ở một số vấn đề sau:
 
Một là, mục đích của hoạt động thanh tra không chỉ là nhằm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung hay phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng nói riêng mà trước hết là nhằm phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, thanh tra luôn phải gắn với hoạt động quản lý, phục vụ cho mục tiêu, yêu cầu.
 
Hai là, các cơ quan thanh tra nhà nước chưa được giao quyền phê duyệt định hướng hoạt động thanh tra; chưa được quyền chủ động lập kế hoạch thanh tra hàng năm (trừ Thanh tra Chính phủ) mà những nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, định hướng, kế hoạch thanh tra là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để triển khai hoạt động thanh tra.
 
Ba là, cơ quan thanh tra nhà nước chỉ có thẩm quyền ban hành kết luận thanh tra đối với những vụ việc do Thủ trưởng cơ quan thanh tra ban hành quyết định thanh tra. Nhưng theo quy định hiện hành thì phạm vi vụ việc mà Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước (trừ Thanh tra Chính phủ) được quyền ra quyết định thanh tra (kể cả thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất) còn rất hẹp và phụ thuộc nhiều ở cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.  
 
Bốn là, quy định hiện hành về thời hạn 05 ngày kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra phải chuyển vụ việc cho Cơ quan điều tra đã không tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thanh tra chủ động xác
minh, kết luận về hành vi tham nhũng. Trong nhiều trường hợp thanh tra không đủ thời gian, điều kiện cần thiết để làm rõ động cơ vụ lợi và cá thể hóa trách nhiệm của đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng.
 
Năm là, trong hoạt động thanh tra, về nguyên tắc, người có trách nhiệm, người quyết định cuối cùng trong việc xử lý kết quả thanh tra vẫn là Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước... Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền báo cáo Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên khi kiến nghị của mình về những vấn đề thuộc công tác thanh tra không được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Nhưng, với sự phụ thuộc chặt chẽ về tổ chức, con người, điều kiện hoạt động như hiện nay, quyền này chỉ mang tính hình thức và rất ít được sử dụng trong thực tế.
 
4. Một số đề xuất, kiến nghị 
Cần nghiên cứu để tập trung giao trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng cho một cơ quan chống tham nhũng độc lập với cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao cho một số cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền, điều kiện để phát hiện, xử lý có hiệu quả hành vi tham nhũng nhưng các cơ quan này cũng phải bảo đảm sự độc lập cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước. Khi đó cơ quan thanh tra nhà nước tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra đáp ứng mục đích của hoạt động quản lý. Trong công tác PCTN, Thanh tra sẽ chủ yếu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn những điều kiện, cơ hội dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Trong điều kiện chưa thể thực hiện giải pháp nêu trên thì cần phải tăng cường hơn nữa tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc xem xét, đánh giá, kết luận, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật nói chung cũng như việc chủ động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng nói riêng với các nhiệm vụ trước mắt như:  
 
- Mở rộng phạm vi vụ việc thuộc thẩm quyền chủ động ban hành quyết định thanh tra của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước;  
 
- Nghiên cứu trao cho Trưởng Đoàn thanh tra do cơ quan quản lý nhà nước thành lập thẩm quyền kết luận thanh tra và áp dụng một số biện pháp xử lý vi phạm hiện đang thuộc thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra như quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra; chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang Cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm…
 
- Nghiên cứu để thành lập cơ quan chuyên trách về PCTN thuộc hệ thống thanh tra nhà nước trên cơ sở phát triển đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ hiện nay; trao cho cơ quan này một số thẩm quyền đặc thù so với thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước như quyền khởi tố, điều tra ban đầu đối với hành vi có dấu hiệu tham nhũng; chủ động lập kế hoạch và quyết định thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; quản lý, theo dõi hệ thống dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Việc thành lập cơ quan chuyên trách về PCTN cũng là trách nhiệm của Nhà nước trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã phê chuẩn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN trong đó nhất thiết phải chú trọng thực hiện các chế độ đãi ngộ, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ làm công tác PCTN nói chung và cán bộ thanh tra nói riêng; phải có chế tài xử lý đặc biệt nghiêm khắc khi những cán bộ này có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
(1) Điều 4 Thông tư Liên tịch số 02/2012/TTLT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
(2) Điều 6 Thông tư Liên tịch số 02/2012/TTLT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Ngô Mạnh Hùng
(Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ)

;
.