Tháng 5 này vắng bóng "Anh Văn"

Thứ Tư, 30/04/2014, 18:59 [GMT+7]
Năm 2014, với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 60 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng… Những dấu mốc lịch sử đáng nhớ đó đều gắn với tên tuổi của vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp. 
Thời thế tạo ra anh hùng, nhưng anh hùng lại góp phần tạo ra thời thế. Đó là quy luật của lịch sử. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một trường hợp như thế. Kỷ niệm lần thứ 60 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lần này lại vắng bóng Anh Văn. Lịch sử không thể có “nếu như”, song mỗi người lính, người dân Việt Nam dịp này đều nghĩ rằng niềm vui sẽ trọn vẹn biết bao nếu như được đồng hành cùng Anh Văn trong lần kỷ niệm lịch sử trọng đại này!  
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Trong lịch sử quân sự thế giới có lẽ hiếm có một người nào xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, chưa từng được kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự lại được giao sứ mệnh cầm quân để rồi trở thành linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ như Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Một điều chắc chắn rằng, dịp kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tới đây vắng bóng Anh Văn nhưng với bộ đội, với nhân dân Việt Nam cũng như nhiều người trên thế gian này, kể cả những nguời từng một thời là đối thủ bên kia chiến tuyến, thì Võ Nguyên Giáp vẫn sống mãi như một vị thống soái quân sự cỡ lớn.  
Nhớ lại, mùa Xuân năm 1954, khi cả dân tộc đang chuẩn bị vào Xuân thì Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lại lên đường ra mặt trận. Là người từng trải qua nhiều chiến dịch, kể cả một số chiến dịch lớn như Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc… nhưng, như Ông đã bộc bạch trong hồi ký “chưa bao giờ chứng kiến một quang cảnh hùng tráng như mùa Xuân năm đó”. Hơn ai hết, Võ Nguyên Giáp là người hiểu rõ trọng trách lớn lao mà Bộ Chính trị và cụ Hồ đã ủy thác qua lời dặn dò trước lúc lên đường: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. 
Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Phải là người có lòng tin và quyết tâm mới dám nhận một sứ mệnh lịch sử cao cả như vậy. 
Trong con người Võ Nguyên Giáp luôn hội đủ tố chất của một vị tướng: Nhân, Trí, Dũng, Tín, Liêm, Trung. Ông là một con người “Dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, biết quy tụ nhân tâm, không chủ quan duy ý chí. Khi được giao là người chỉ huy cao nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp không hề đánh giá thấp sức mạnh của địch tại tập đoàn cứ điểm này và Ông nhận thức sâu sắc rằng chỉ có đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược bằng tập đoàn cứ điểm của địch mới mở đường cho cuộc kháng chiến chống Pháp phát triển. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc bấy giờ đối với Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không phải là vấn đề tiến công hay không tiến công; mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một mục tiêu chiến lược cực mạnh như vậy? Để biến quyết tâm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị thành hiện thực thắng lợi, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch đặt ra và giải quyết thành công nhiều vấn đề ở tầm chiến lược, chiến dịch, đó là tìm mọi cách cô lập và giữ chân quân Pháp ở Điện Biên Phủ để đại quân ta tiêu diệt; loại bỏ cách đánh mạo hiểm, chọn cách đánh bảo đảm yếu tố chắc thắng; chỉ đạo giải quyết thành công vấn đề bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch dài ngày, lực lượng tham ia lớn và diễn ra trên một địa bàn khó khăn xa hậu phương; khắc phục được những tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, mở đường giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.
Tại mặt trận Điện Biên Phủ, là một vị Đại tướng, Tư lệnh chiến dịch nhưng Võ Nguyên Giáp giống như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi của bộ đội. Trước nhiều trận đánh lớn, bao giờ Ông cũng viết thư thăm hỏi, động viên bộ đội và dân công. Ngày Xuân trên chiến hào, những tình cảm chân tình của vị Tư lệnh chiến dịch đã tiếp thêm sức mạnh cho các mũi, các hướng sẵn sàng xung trận. Trong điều kiện khó khăn của mặt trận, song Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội trong điều kiện tối đa có thể; đặc biệt là hết mực thương yêu, quý trọng cấp dưới và biết trọng dụng những người có đức - tài. Dưới Ông, nhiều trí thức xuất thân từ các thành phần khác nhau đã có cơ hội cống hiến hết mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ và không ít trong số đó về sau đã trở thành những vị tướng lĩnh tài ba của quân đội. Cảm phục mối quan hệ “cán - quân”, ngay tại chiến hào mặt trận Điện Biên Phủ, một nhà báo Tiệp Khắc đã nói với Võ Nguyên Giáp rằng “Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi thấy không có gì cách biệt giữa vị tướng với một người lính”.
Võ Nguyên Giáp là một con người luôn coi trọng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể. Ông luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới. Trước khi quyết bất cứ vấn đề hệ trọng nào Ông đều đưa ra thảo luận tập thể. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” - một phương châm đã góp phần đưa Võ Nguyên Giáp lên hàng “thống soái quân sự cỡ lớn”, Ông đã trao đổi, xin ý kiến và kiên trì thuyết phục tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch, nhằm tạo sự đồng thuận, thống thất cao. 
Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực cho dù người đó giữ cương vị to hay bé, quân hàm cao hay thấp và biết quý từng giọt máu của bộ đội. Là một nhà cầm quân là phải khát khao chiến thắng, song ở Ông không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng phải luôn đi kèm với giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất. Việc quyết định thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một ví dụ. Ở đây, vị Tư lệnh chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến - một quyết định được Ông cho là khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình, thì ngoài yếu tố bảo đảm đánh chắc thắng còn là nhằm giảm thiểu tổn thất cho bộ đội. Võ Nguyên Giáp luôn quan niệm rằng quý trọng sinh mệnh của cán bộ và chiến sỹ, suy cho cùng cũng tức là quý trọng sinh mệnh của người dân.
Đối với kẻ địch, thấu triệt tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi... đều dành cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp một sự kính trọng và khâm phục đặc biệt. Tư tưởng nhân nghĩa được kết tinh từ truyền thống nhân văn trong chống giặc ngoại xâm của cha ông trên tinh thần “không vì tư thù, tư oán” được Võ Nguyên Giáp kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nói chung. Nó vừa là chiến lược, vừa là sách lược nhằm giành được thắng lợi mà không phải tiêu diệt đến tên địch cuối cùng. Chính điều đó đã đưa Võ Nguyên Giáp trở thành “một cây đại thụ rợp bóng nhân văn” như lời nhận xét của một nhà quân sự nổi tiếng thế giới.
Với chính mình, cái “tôi” trong con người Võ Nguyên Giáp là cái “tôi” dĩ công vi thượng. Ông là một người nghiêm khắc nhưng khiêm tốn, bình dị, bao dung và độ lượng; cả cuộc đời cầm quân dường như người ta ít thấy Ông cáu gắt to tiếng với cấp dưới bao giờ. Duy nhất chỉ một lần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người ta thấy Ông lớn tiếng phê bình một cán bộ chỉ huy trận đánh Đồi A1; nhưng rồi sau đó hiểu rõ nguyên nhân, Ông đã chủ động cải chính và “làm lành” ngay.  
Là một Đại tướng được phong cấp hàm có một lần duy nhất trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (1948) nhưng chỉ với một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” cũng đã đủ đưa Võ Nguyên Giáp lên hàng danh tướng. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thiếu vắng Anh Văn, song hình ảnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong lòng bộ đội, trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế vẫn trường tồn bất diệt. Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến cái tên Võ Nguyên Giáp và ngược lại nhắc đến Võ Nguyên Giáp không thể không nhắc đến cái tên Điện Biên Phủ. Vầng hào quang xung quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn mãi rực sáng. Tướng Bi-gia, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, người từng tham chiến ở Điện Biên Phủ, trong lần trả lời phỏng vấn của RFI (26-4-2004) đã phải thốt lên rằng: “Xin ngả mũ chào bái phục tướng Giáp”.
Đại tá, PGS,TS. Trần Ngọc Long
(Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
;
.