Thứ Ba, 3/12/2024, 1:24 [GMT + 7]
.
.

Đặc điểm của tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

Thứ Năm, 23/05/2013, 19:39 [GMT+7]

Ở Việt Nam chưa có quy định pháp luật hình sự nào đưa ra định nghĩa về “tội phạm có yếu tố nước ngoài”. Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005 quy định "yếu tố nước ngoài" bao gồm: 1. Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; 2. Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó phát sinh tại nước ngoài, theo pháp luật nước ngoài; 3. Tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài (Điều 758, Bộ luật Dân sự, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2005). Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam đưa ra khái niệm: “Tội phạm có yếu tố nước ngoài là tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ của một quốc gia nhưng có liên quan đến một hoặc nhiều quốc gia khác. Sự liên quan này có thể là về đối tượng phạm tội (có sự tham gia của các đối tượng mang quốc tịch khác nhau); đối tượng bị xâm hại (các lợi ích chủ thể thuộc quốc gia khác); hiệu lực pháp lý (bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các chế định luật pháp quốc tế hoặc pháp luật hình sự tương ứng của quốc gia khác) (Từ điển Bách khoa Công an nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội 2005, trang 1155).

Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ xảy ra tại Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh
Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ xảy ra tại Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh

Từ cách hiểu về “yếu tố nước ngoài” nêu trên, căn cứ quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về hiệu lực (Điều 5, Điều 6), về khái niệm tội phạm (Điều 8), có thể hiểu tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài là tội phạm tham nhũng có liên quan tới nước ngoài về đối tượng phạm tội; đối tượng bị xâm hại; địa bàn thực hiện tội phạm và hiệu lực pháp lý.

Chủ thể của tội phạm có thể là người nước ngoài, người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài hoặc không có quốc tịch, có chức, có quyền, đã thực hiện tội phạm tham nhũng có liên quan tới Việt Nam. Chủ thể của tội phạm có thể là  công dân Việt Nam có chức, có quyền đã thực hiện tội phạm tham nhũng có liên quan tới nước ngoài. Khách thể của tội phạm là lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân Việt Nam có liên quan tới nước ngoài hoặc là lợi  ích của Nhà nước, tập thể, cá nhân nước ngoài có liên quan tới Việt Nam. Địa điểm thực hiện tội phạm có thể ở trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan tới nước ngoài và cũng có thể ở trên lãnh thổ nước ngoài nhưng có liên quan tới Việt Nam. Đối tượng phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo các chế định luật pháp quốc tế hay theo pháp luật hình sự tương ứng của nước ngoài có liên quan.

Tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài trước hết phải là tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, cần tách bạch nghiên cứu về tội phạm có yếu tố nước ngoài nói chung và tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài nói riêng vì các lý do sau:

Các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài xảy ra ở Việt Nam ngày càng tăng về số vụ, số đối tượng, đặc biệt trong những năm gần đây khi Việt Nam đẩy mạnh quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Tình chất nghiêm trọng, phức tạp của các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thể hiện rõ ở thiệt hại về tài sản thường lớn; hậu quả của tội phạm gây ảnh hưởng đến đối ngoại, hội nhập và uy tín của Đảng, Nhà nước ta.

Cơ sở áp dụng pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài có nhiều điểm khác biệt, phức tạp hơn nhiều so với việc áp dụng pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm không có yếu tố nước ngoài.

Yêu cầu tự thân của quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế đặt ra nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Trong quá trình này, Việt Nam đã và đang tham gia sâu rộng vào các tổ chức, định chế quốc tế và khu vực, là thành viên của một số điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm. Những đặc điểm này tác động, chi phối mạnh mẽ đến việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm có yếu tố nước ngoài, trong đó có tội phạm tham nhũng.

Yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, cần đấu tranh phòng, chống âm mưu và hoạt động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, dùng lợi ích vật chất lôi kéo cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, tạo ra sự "tự diễn biến" trong nội bộ ta.

Nghiên cứu một số vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua cho thấy nổi lên một số đặc điểm nổi bật của loại tội phạm này là:

(1)  Tội phạm tham nhũng ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài hình thành chủ yếu trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa, đặc biệt trong những năm gần đây khi đất nước ta đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trước thời kỳ đổi mới, mở cửa, nền kinh tế nước ta khép kín, kinh tế đối ngoại chủ yếu là các hoạt động kinh tế kế hoạch với một số nước xã hội chủ nghĩa. Sau năm 1986, nhất là từ sau thời kỳ bình thường hoá quan hệ với Mỹ và đẩy mạnh quan hệ kinh tế với một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Nhật Bản, Tây Âu, các hoạt động kinh tế của nước ta diễn ra đa dạng về hình thức và tăng mạnh mẽ từng năm về cán cân thương mại với các nước, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia một số tổ chức, định chế tài chính, kinh tế lớn ở khu vực và trên thế giới như Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp hội các nước ASEAN…. Theo đó, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, kinh tế thế giới và khu vực đến Việt Nam nghiên cứu, hợp tác và tiến hành các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại cũng ngày một tăng lên; nguồn vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn, năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam ra đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều.

Từ những năm 2001 trở lại đây, đã có hàng chục vụ án tham nhũng lớn ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài được phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử như: Vụ Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Sở Điện lực thành phố Hồ Chí Minh; vụ Huỳnh Ngọc Sỹ trong Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh; vụ Đặng Nam Trung, nguyên Giám đốc Công ty IDC thuộc Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia phạm tội tham ô tài sản; vụ PMU18 mảng tội danh kinh tế, tham ô tài sản; vụ Cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), vụ án xảy ra tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam.

17 bị cáo bị truy tố trong vụ điện kế điện tử
17 bị cáo bị truy tố trong vụ điện kế điện tử

(2) Tội phạm tham nhũng ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài thường có sự liên kết, móc nối cụ thể giữa đối tượng trong nước và đối tượng ngoài nước. Nghiên cứu một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài trong mấy năm gần đây cho thấy rõ sự liên kết, móc nối chặt chẽ giữa đối tượng trong nước và đối tượng ngoài nước để thực hiện hành vi tham nhũng. Hành vi móc nối, liến kết với nhau giữa các đối tượng có thể xảy ra trực tiếp trong quá trình đàm phán, thực hiện dự án hoặc thông qua trung gian. Trong mọi trường hợp, động cơ vụ lợi thường đến từ hai phía, cả đối tượng trong nước và đối tượng người nước ngoài. Các đối tượng thường chủ động tính toán trước hành vi tham nhũng.

Hành vi móc nối, liên kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước trong các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài được thể hiện cụ thể như: Móc ngoặc để nâng giá trị hợp đồng từ đó chia chác, nâng giá trị mua nguyên vật liệu để hưởng chênh lệch. Trong lĩnh vực kinh doanh, các hợp đồng, chứng từ, hóa đơn thường rất thật nhưng giá trị của nó đã được thay đổi một cách tinh vi. Các giá trị hợp đồng mua hoặc bán thường được tăng hơn giá trị thật để hưởng phần trăm, lại quả, chia đôi phần chênh lệch giữa người mua và người bán. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lợi dụng việc đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị đã câu kết với phía nước ngoài nhập về những máy móc, thiết bị đã cũ kĩ, lạc hậu nhưng vẫn được tính với giá mới hoặc giá mua thường đắt hơn rất nhiều so với thực tế. Vấn đề đặt ra là các giá mua vô lí đó lại được các bộ, ngành có trách nhiệm thẩm định và kiểm duyệt.

Câu kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với một số quan chức chính quyền. Ở Việt Nam không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tồn tại và phát triển nhờ dựa vào các mối quan hệ với chính quyền, sẵn sàng chi tiền đút lót để đạt được hiệu quả kinh doanh. Trong không ít trường hợp, phía nước ngoài đã hối lộ để có đất, có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, thỏa thuận với cơ quan thuế, hải quan, nhận “bảo kê” cho các hoạt động “nhạy cảm”...

Sử dụng các công ty tư vấn để cùng tham nhũng các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Do đầu tư nước ngoài cần giấy phép, dự án phải phù hợp với qui hoạch... dẫn đến khả năng lạm dụng chức quyền là phổ biến ở các cấp khác nhau. Trong thực tế, các công ty tư vấn mặc dù có hàm lượng chuyên môn thấp nhưng lại được lập ra, sử dụng các qui định về tiêu chuẩn “dự án”, “qui hoạch”, “điều kiện kinh doanh” từ đó tạo cơ sở  để cơ quan có trách nhiệm kiên trì từ chối cấp giấy phép vì “dự án chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện kinh doanh”... Các nhà đầu tư dự án từ đó buộc phải thông qua các công ty này để hối lộ mới có thể “xây dựng dự án” hay “vận động hành lang”. Bằng cách này, tham nhũng rất khó phát hiện, khả năng qui trách nhiệm cho các quan chức hay phía nước ngoài tham nhũng là rất khó khăn.

Trên thực tế hành vi móc nối, liên kết giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước trong các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài rất đa dạng nhưng tinh vi và khó phát hiện đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nhận thức đầy đủ để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn từ xa.

Trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh, từ khi dự án này có chủ trương triển khai, lãnh đạo Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của Nhật Bản đã hạ quyết tâm "mua bằng được" lãnh đạo dự án để được nhận các gói thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cho dự án. Ông Tsuneo Sakano, Trưởng đại diện PCI tại Việt Nam được giao nhiệm vụ tiếp cận Ban Quản lý dự án này. Thông qua hai người bạn đều là doanh nhân nằm trong hội chơi golf, Tsuneo Sakano đã tiếp cận, đặt vấn đề và mặc cả về việc đưa hối lộ để nhận được các gói thầu của dự án như đã nói ở trên.

(3) Tội phạm tham nhũng ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài xảy ra chủ yếu với các hành vi tham ô tài sản, đưa và nhận hối lộ. Thống kê 10 vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài (Vụ Điện kế điện tử; vụ Công ty Thiên Lợi Hòa; vụ Huỳnh Ngọc Sỹ; vụ Trần Văn Khánh; vụ Vinashin; vụ Đặng Nam Trung; vụ PMU18 mảng tội danh kinh tế; vụ PMU18 mảng dự án cầu Bãi Cháy; vụ Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam chi nhánh Hải Phòng và Ngân hàng ABN-AMRO Hà Nội; vụ Công ty Vifon) đã được điều tra, xử lý cho thấy: Hành vi bị xử lý về tội tham ô tài sản: 4/10 = 40% ; hành vi bị xử lý về tội nhận hối lộ: 3/10 = 30%; các tội danh khác: 3/10 = 30%. Hành vi tham ô tài sản thường xảy ra trong các chương trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tài sản có nguồn gốc từ nước ngoài hoặc liên quan đến đối tác nước ngoài (ví dụ vụ án xảy ra tại PMU18; vụ án Đặng Nam Trung tham ô tài sản). Các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như một phương tiện để biến tài sản của người khác do mình trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý thành tài sản của mình hoặc của người khác. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được thực hiện rất đa dạng như: Sử dụng quyền hạn do chức trách, nhiệm vụ công tác được giao mà có để thực hiện không đúng chức trách của mình hoặc làm trái các quy định về chế độ quản lý tài sản thuộc lĩnh vực công tác mà mình phụ trách; sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác để chiếm đoạt tài sản. Một số thủ đoạn phổ biến được các đối tượng sử dụng như: Sửa chữa sổ sách, chứng từ; cố tình ghi chép sai; lập chứng từ giả; tạo hiện trường giả; tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ.

(4) Tài sản trong các vụ án tham nhũng ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài có nguồn gốc ở cả trong và ngoài nước, trong đó nhiều vụ án có nguồn gốc tài sản từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ nước ngoài. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 qui định tài sản tham nhũng là tài sản có được từ hành vi tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng (khoản 1 Điều 2). Tài sản trong các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài cũng giống như tài sản trong các vụ tham nhũng nói chung trước hết có nguồn gốc từ trong nước. Đó là tài sản bị thất thoát từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp hay công ty... đã bị các đối tượng phạm tội sử dụng những phương thức, thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt. Tuy nhiên, nguồn gốc tài sản trong các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài còn có thể từ nước ngoài mà thường là từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các khoản tài chính khác. Điển hình cho vụ án tham nhũng có nguồn gốc tài sản từ vốn hỗ trợ phát triển từ nước ngoài là vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ. Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư trên 660,6 triệu USD do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ. Tài sản có nguồn gốc từ nước ngoài như: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tài sản là các phương tiện kỹ thuật như máy móc, thiết bị công nghệ, thiết bị kỹ thuật phực vụ xây dựng, giao thông, sản xuất công nghiệp có nguồn gốc từ nước ngoài. Ví dụ giàn đá nghiền sàng trong vụ án Đặng Nam Trung tham ô tài sản có nguồn gốc từ Anh; thiết bị nhà máy nhiệt điện Sông Hồng trong vụ án xảy ra tại Vinashin liên quan đến đối tác Hàn Quốc.

(5) Hầu hết các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài xảy ra thời gian qua thuộc các ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước và thường xảy ra ở các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Vụ án xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được xác định có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng (Vinashin được coi là một trong những đơn vị hoạt động trong ngành kinh tế trọng điểm quốc gia). Vụ án tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), cũng tương tự như Vinashin, thiệt hại do các hành vi tham nhũng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng lên đến hàng trăm tỉ đồng. Vụ án xảy ra tại Ban Quản lý các dự án 18, Bộ Giao thông Vận tải (một trong những dự án phát triển hạ tầng quan trọng), các cơ quan chức năng đã xác định thiệt hại hàng chục tỉ đồng, các đối tượng trong vụ án đã bị xử lý theo pháp luật, trong đó có hàng loạt tội phạm với hành vi tham nhũng nghiêm trọng như: Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản… Vụ án xảy ra tại Tổng công ty vật tư nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong vụ án này đối tượng chính là Trần Văn Khánh, Tổng Giám đốc công ty đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt của Nhà nước hàng tỉ đồng.

(6) Đa số các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài việc phát hiện, xử lý thường kéo dài; nhiều vụ việc phát hiện dấu hiệu tham nhũng có yếu tố nước ngoài chậm được xem xét, kết luận. Vụ án Đặng Nam Trung tham ô tài sản, khởi tố vụ án ngày 10-04-2002, xét xử phúc thẩm ngày 29-06-2010 (8 năm); vụ Điện kế điện tử khởi tố ngày 18-08-2005, xét xử phúc thẩm ngày 08-09-2009 (4 năm); vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ xảy ra tại Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh, khởi tố bị can tội nhận hối lộ ngày 09-12-2008, xét xử phúc thẩm ngày 30, 31-08-2011 (3 năm)…

Nguyễn Xuân Trường

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.