Một số vấn đề về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng
1. Những khó khăn, vướng mắc khi chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức
Trước khi có Luật Phòng, chống tham nhũng (2005), việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng đã được thực hiện trong các ngành và lĩnh vực như Hải quan, Công an, Kiểm lâm v.v... Ngoài ra còn có việc chuyển đổi hiệu trưởng các trường phổ thông trong ngành Giáo dục, như quy định một người không được làm hiệu trưởng của một trường quá 2 nhiệm kỳ. Từ sau khi có Luật Phòng, chống tham nhũng, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật này được tiến hành một cách rộng rãi, chặt chẽ và “bài bản” hơn.
Việc làm này đã có tác dụng phòng ngừa tham nhũng nhất định, nhưng cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục.
a) Về đối tượng và vị trí công tác cần phải chuyển đổi:
Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 158), đối tượng phải chuyển đổi là cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Nghị định số 158 có quy định 21 lĩnh vực, ngành, nghề phải chuyển đổi và yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương; chính quyền các địa phương; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp xã trở lên; các doanh nghiệp nhà nước; các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải ban hành văn bản quy định cụ thể danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi trong 21 lĩnh vực lĩnh vực, ngành, nghề đó.
Đồng chí Lê Văn Lân - Phó Chánh Văn phòng
Ban Chỉ đạo Trung ương - chủ trì Hội nghị tham gia ý kiến
vào Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Qua thực tế thực hiện việc chuyển đổi trong mấy năm qua cho thấy, về cơ bản, các vị trí công tác cần phải chuyển đổi theo quy định hiện hành là phù hợp, nhưng cũng có một số vị trí cần được cân nhắc.
- Khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức là: một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cơ quan, đơn vị cơ sở và địa phương là cấp xã, phường, thị trấn, số người cần phải chuyển đổi rất ít, có khi chỉ có một người, chẳng hạn như kế toán, cán bộ tư pháp, cán bộ địa chính... ở cấp xã. Nếu chuyển đổi người giữ các vị trí đó từ xã này sang xã khác thì rất khó khăn cho họ, vì ở nông thôn, nhất là ở miền núi, vị trí các xã nằm xa nhau, đi lại khó khăn, mỗi nơi có phong tục, tập quán riêng, cán bộ là người từ xã khác đến rất khó nắm được tình hình, đặc điểm về dân cư, địa lý... nên rất khó làm việc.
Thực tế cho thấy, một số nơi chuyển đổi các vị trí chuyên trách cấp xã một cách rập khuôn, máy móc đã làm xáo trộn tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân. Công chức chuyên trách địa chính cấp xã đang nắm bắt được địa bàn, do chuyển sang xã khác nên cần phải có thời gian nghiên cứu, tích lũy, nắm bắt địa bàn mới, nắm bắt hồ sơ địa chính…, việc xác nhận hoặc giải quyết tranh chấp đất đai ở địa bàn mới gặp khó khăn do không nắm được lịch sử, nguồn gốc của mảnh đất đó. Ngoài ra, nếu cán bộ, công chức chuyên trách cấp xã là người địa phương sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là các vùng có đông đồng bào dân tộc ít người. Vì khi công tác ở các vùng này, ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ phải am hiểu phong tục, tập quán, phải nói, hiểu được ngôn ngữ địa phương thì mới tiếp xúc, giải quyết tốt công việc liên quan, nhất là đối với người dân tộc ít người.
Nhiều cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp hiện nay có tình trạng không những mỗi chức danh chỉ có một người đảm nhiệm mà còn có những người ngoài nhiệm vụ chính còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác, nên khó chuyển họ đi nơi khác và cũng không có cán bộ có chuyên môn tương ứng để chuyển đổi vị trí cho họ. Ví dụ: hiện nay, đa số nhân viên kế toán của các phòng, ban cấp huyện, ngoài nhiệm vụ chuyên môn chính là kế toán còn phải kiêm nhiệm thêm công việc văn thư - lưu trữ và nhân viên hành chính của phòng, ban đó. Vì thế, nếu chuyển đổi kế toán từ phòng, ban này sang phòng, ban khác sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến công việc. Còn nếu chuyển đổi trong nội bộ của phòng, ban thì ở các phòng, ban đó không có vị trí tương ứng và không có cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp để thay thế.
Đó là khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí công tác giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương ngang cấp với nhau (chuyển đổi theo chiều ngang), nhưng việc chuyển đổi theo ngành dọc (xã với huyện, huyện với tỉnh...) cũng có khó khăn không kém, vì số lượng cán bộ của ngành dọc cấp trên thường ít hơn rất nhiều so với tổng số cán bộ của ngành đó ở cấp dưới.
- Theo định nghĩa của Luật phòng, chống tham nhũng, đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm tất cả cán bộ, công chức, trọng đó có người là lãnh đạo, quản lý và có người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trong thực tế có rất nhiều đối tượng tham nhũng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thậm chí là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Những đối tượng này thường gây ra những vụ tham nhũng lớn, thiệt hại rất nghiêm trọng. Do đó, một số ý kiến cho rằng, cần phải chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí lãnh đạo, quản lý trong một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Ngoài ra, còn có tình trạng một số người tuy được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý và được hưởng phụ cấp lãnh đạo, quản lý, nhưng trên thực tế họ không phải lãnh đạo và điều hành đơn vị, chỉ thực hiện công việc như cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Theo quy định hiện hành, số cán bộ này không phải chuyển đổi vị trí công tác. Điều này cũng gây tâm lý thắc mắc trong số cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải chuyển đổi vị trí.
b) Về thời hạn chuyển đổi
Theo quy định của Nghị định số 158, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với tất cả các trường hợp, ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực là 3 năm (đủ 36 tháng). Qua thực tế cho thấy, thời hạn 3 năm cho mọi vị trí, ngành, nghề, lĩnh vực là không phù hợp. Có những vị trí, thời hạn 3 năm chỉ vừa đủ để cán bộ, công chức, viên chức làm quen và bước đầu thực hiện tốt công việc, sau 3 năm thì mới phát huy tác dụng, nếu chuyển đi nơi khác thì họ lại phải nghiên cứu, làm quen với công việc mới nhận, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị. Ngược lại, có những vị trí công tác, thời hạn 3 năm mới chuyển đổi là quá dài, tác dụng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng hạn chế.
c) Về tổ chức thực hiện
Đến nay, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ, ngành chưa xây dựng danh mục cụ thể và kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị mình, nên kết quả thực hiện chuyển đổi theo quy định chậm, số lượng được chuyển đổi không nhiều (có cơ quan, đơn vị chưa chuyển đổi được trường hợp nào; số được chuyển đổi chủ yếu là do sắp xếp lại bộ máy tổ chức hoặc thực hiện theo quy định đã có của ngành nghề đặc thù như: ngân hàng, thuế, hải quan hoặc ngành Ngoại giao chuyển đổi cán bộ đi công tác ở cơ quan đại diện ở nước ngoài…).
Đáng chú ý là, nhiều nơi nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ với việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158. Một số bộ, ngành, địa phương đưa cả số cán bộ lãnh đạo, quản lý được luân chuyển vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158. Một số địa phương báo cáo số lượng chuyển đổi lớn, nhưng đó là kết quả của việc thực hiện Nghị định số 13/2007/NĐ-CP và Nghị định số 14/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh.
Có dư luận cho rằng, việc chuyển đổi vị trí công tác ở một số nơi đã bị người có thẩm quyền lợi dụng vì mục đích tư lợi hoặc lôi kéo người thân thích, cùng phe cánh và đẩy đuổi, trả thù, trù dập những người thẳng thắn, cương trực, dám đấu tranh, phê bình... Qua đó, không những không hạn chế được tham nhũng mà còn làm nảy sinh thêm hành vi tham nhũng mới, nghiêm trọng hơn.
d) Các điều kiện bảo đảm
Nghị định số 158 chưa có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ chuyển đổi vị trí công tác như: nhà ở công vụ, nâng bậc lương trước thời hạn, đặc biệt là chưa có quy định khi hết thời hạn chuyển đổi thì có được trở lại đơn vị cũ hay không? Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ. Cán bộ ở các thành phố, thị xã có tâm lý e ngại không muốn chuyển đến công tác ở một số huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Bên cạnh đó, còn thiếu nhiều chính sách khuyến khích cán bộ chuyển đổi như: phụ cấp đi xa, chính sách “hậu” chuyển đổi…
2. Sự khác nhau giữa chuyển đổi vị trí công tác với luân chuyển cán bộ
Như đã trình bày ở trên, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158. Còn việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002, của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5/6/2012, của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo (dưới đây viết tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TW và Kết luận số 24-KL/TW).
Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý có những điểm khác nhau chủ yếu như sau:
a) Mục đích
- Chuyển đổi vị trí công tác nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.
Khoản 1, Điều 43, Luật phòng, chống tham nhũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng”.
Điều 1, Nghị định số 158 quy định: “Nghị định này quy định các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng”.
- Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm mục đích chính là đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ.
Nghị quyết số 11-NQ/TW nêu rõ: “Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị”.
Kết luận số 24-KL/TW đánh giá: “Kết quả luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương trong hai nhiệm kỳ Đại hội IX và X đã góp phần đào tạo được nhiều cán bộ” và “Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn”.
b) Đối tượng
- Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158, đối tượng phải chuyển đổi vị trí công tác là cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Đối tượng luân chuyển là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Nghị quyết số 11-NQ/TW quy định: “Nói chung chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết)”.
Nghị quyết số 11-NQ/TW còn quy định cụ thể một số chức danh cần luân chuyển: “Trước mắt, làm điểm việc điều động, luân chuyển một số đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, giám đốc sở tài chính, giám đốc sở kế hoạch đầu tư, giám đốc công an, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh này sang giữ chức vụ lãnh đạo và quản lý tương đương ở các tỉnh, thành phố khác lân cận”. Kết luận số 24-KL/TW khẳng định lại chủ trương này: “Đẩy mạnh công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, đồng thời thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư, chủ tịch uỷ ban nhân dân, trưởng các ngành công an, toà án, viện kiểm sát) không là người địa phương, phấn đấu đến năm 2015 trên 25% tỉnh, thành phố và trên 50% quận, huyện thực hiện chủ trương này”.
- Đối tượng luân chuyển là những cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt, nhưng đối tượng chuyển đổi vị trí công tác không nhất thiết như vậy.
Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra nguyên tắc: “Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương, đơn vị khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”.
Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158, chưa thực hiện việc chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức trong những trường hợp sau: đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra; đang điều trị bệnh hiểm nghèo, đi học dài hạn hoặc được cử đi biệt phái; đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
c) Thời gian
Thời gian luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung từ 3 năm trở lên. Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức đối với tất cả các trường hợp, ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực là 3 năm (đủ 36 tháng).
d) Cách làm
- Chuyển đổi vị trí công tác có danh mục các vị trí cần phải chuyển đổi và có kế hoạch chuyển đổi cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; luân chuyển cán bộ chỉ có quy hoạch, kế hoạch thực hiện.
- Chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện; luân chuyển cán bộ là công việc của Đảng, do các cấp uỷ đảng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác
a) Về đối tượng:
Cần nghiên cứu để quy định danh mục các vị trí công tác cần phải chuyển đổi một cách hợp lý, sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện vừa qua. Cần phân cấp cho các cấp, các ngành, cho một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thẩm quyền quyết định việc có chuyển đổi hay không chuyển đổi trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Trong trường hợp này, có thể quy định cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định.
Riêng đối với viên chức, đề nghị có quy định: Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với viên chức ngoài việc thực hiện theo các quy định chung còn phải căn cứ vào hợp đồng làm việc đã ký với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định chuyển đổi vị trí công tác đối với một số trường hợp là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
b) Về thời hạn chuyển đổi
Cần quy định thời hạn chuyển đổi một cách linh hoạt cho phù hợp với tính chất từng ngành, nghề, lĩnh vực và từng vị trí công tác cụ thể. Những ngành, nghề, vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm không nên cứng nhắc thời hạn 3 năm mà có thể là 4 - 5 năm, hoặc quy định những công việc đặc thù nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng thì 1 - 2 năm. Nói chung, nên quy định thời hạn chuyển đổi là từ 01 đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, nghề, lĩnh vực và vị trí công tác. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan quy định cụ thể thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với từng vị trí công tác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan theo quy định.
c) Điều kiện bảo đảm
Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi vị trí công tác đến địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi vị trí công tác, như: phụ cấp đi xa, nhà ở công vụ, phương tiện đi lại, hỗ trợ cho gia đình, người thân trong trường hợp cán bộ công chức, viên chức gặp hoàn cảnh khó khăn, neo đơn v.v...
Lê Văn Lân
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương