Thành công của Sê-ri-a Lê-ôn trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 12/07/2012, 16:36 [GMT+7]

Sê-ri-a Lê-ôn là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng hiện cũng là quốc gia nghèo nhất tính theo thu nhập bình quân đầu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong 10 năm từ 1991 đến 2002, Sê-ri-a Lê-ôn đã xảy ra nội chiến. Nguyên nhân chính đó là tình trạng tham nhũng. Những năm gần đây, cũng giống như nhiều nơi khác trên thế giới, tham nhũng đã trở thành mối đe dọa lớn và nghiêm trọng nhất tới nền dân chủ thực sự tại Sê-ri-a Lê-ôn. Chính phủ Sê-ri-a Lê-ôn đã thực hiện một số biện pháp đem lại kết quả to lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng.

1. Thành lập Ủy ban chống tham nhũng

Ủy ban chống tham nhũng Sê-ri-a Lê-ôn được thành lập vào tháng 2/2000. Cơ cấu của Ủy ban chống tham nhũng Sê-ri-a Lê-ôn là sự pha trộn giữa mô hình của Hồng Kông (Trung Quốc) và Botswana sử dụng cách tiếp cận 3 gọng kìm bao gồm ngăn ngừa tham nhũng, huy động sự ủng hộ của người dân và nâng cao năng lực điều tra tham nhũng. Kể từ khi thành lập đến nay, Ủy ban chống tham nhũng đã và đang tập trung điều tra làm rõ các hành vi tham nhũng của cá nhân và tổ chức (gồm cả các quan chức cấp cao trong chính phủ và các nhân vật có địa vị trong xã hội); đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hoạt động.

2. Tuân thủ các Hiệp định/Công ước quốc tế

Với tư cách là thành viên cộng đồng quốc tế, Sê-ri-a Lê-ôn đã ký một số công ước bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); Công ước của Liên minh châu Phi (AU) về phòng, chống tham nhũng. Những công ước này không những được ký kết mà còn được phê chuẩn và phổ biến rộng rãi tại Sê-ri-a Lê-ôn.

3. Đạo luật chống tham nhũng đủ mạnh

Năm 2008, Luật chống tham nhũng chính thức được ban hành. Đây là đạo luật được coi là nghiêm khắc nhất tại châu Phi.

Luật chống tham nhũng được Quốc hội thông qua năm 2000

a) Độc lập trong điều tra và truy tố các vụ việc tham nhũng: Ủy ban chống tham nhũng có quyền độc lập điều tra và truy tố các vụ việc tham nhũng mà không cần nhờ đến sự can thiệt từ Bộ Tư pháp và Chánh án Tòa án tối cao. Điều này tạo cho Ủy ban có thể truy tố các nhân vật cấp cao và những người khác nếu phạm tội tham nhũng. Sức mạnh của Luật chống tham nhũng được thể hiện thông qua bản án dành cho một nữ bộ trưởng với tội danh biển thủ quỹ công của Chính phủ và buộc phải bồi thường số tiền 450 triệu đô la Leones (đây là số tiền khổng lồ tại một quốc gia mà mức sống trung bình của người dân khoảng 1 đô la/ngày). Vị quan chức này sau đó đã bị Tổng thống cách chức, buộc thôi việc. Đây là bản án thứ hai dành cho một vị bộ trưởng trong vòng hai năm qua. Ngoài ra, Ủy ban chống tham nhũng cũng được phép hạn chế việc bán tài sản, bất động sản của những nghi can đang bị điều tra về tội tham nhũng.

b) Thu hồi tài sản trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng: Luật chống tham nhũng năm 2008 đã quy định điều khoản thu hồi số tiền/tài sản tham nhũng cho công quỹ nhà nước (năm 2008, Ủy ban đã thu hồi được 3 tỷ đô - la Sê-ri-a Lê-ôn, tương đương khoảng một triêu hai trăm ngàn USD, từ tội phạm tham nhũng, chủ yếu là các tổ chức). Nguồn tiền này được trả về các quỹ công của nhà nước.

c) Công khai tài sản và công nợ của công chức: Chiến lược chống tham nhũng quốc gia (NACS) của Sê-ri-a Lê-ôn đã yêu cầu bắt buộc công chức công khai tài sản và công nợ. Ủy ban qui định nội dung công bố tài sản và công nợ là một phần bắt buộc đối với cán bộ, công chức nhằm đảm bảo sự giám sát của người dân. Cho đến nay đã có hơn 17 ngàn cán bộ, công chức công bố tài sản của mình (bao gồm cả Tổng thống và nội các). Việc xác minh tài sản này, đặc biệt với những người có quan hệ chính trị đang được tiến hành, nhằm giám sát những cá nhân tham nhũng đang nắm quyền.

d) Xây dựng điều lệ hoạt động: Là một phần trong chiến lược chống tham nhũng, Ủy ban có thể xây dựng Điều lệ hoạt động nhằm tạo cơ hội cho công chúng hiểu rõ hơn về công việc, cách thức làm việc của Ủy ban; tăng cường sự minh bạch và công khai công việc của Ủy ban tới người dân.

e) Bộ phận bảo vệ và quản lý nhân chứng: Một bộ phận quản lý và bảo vệ nhân chứng đã được thành lập nhằm chăm sóc, đảm bảo an ninh cho các nhân chứng và sự bí mật của các nguồn tin.

 Vũ Anh Tâm

(TTXVN)

;
.