Các dạng tham nhũng phổ biến

Thứ Hai, 03/06/2013, 15:53 [GMT+7]

Tham nhũng thường biểu hiện dưới các dạng sau:

- Tham nhũng vật chất: là dạng tham nhũng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của cá nhân như tiền bạc, tài sản... Đây là dạng tham nhũng phổ biến và dễ nhận thấy. Trước đây, tham nhũng vật chất chủ yếu chỉ xảy ra ở lớp người có quyền lực với thủ đoạn chủ yếu là dùng quyền lực được giao để chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của công dân nhằm vụ lợi cá nhân, nhưng ngày nay tham nhũng vật chất đã lan rộng ra mọi tầng lớp dân cư trong xã hội, kể cả lớp người trước đây không thể tham gia vào hoạt động này như thầy giáo, thầy thuốc… Tại nhiều quốc gia đang phát triển, tham nhũng vật chất đã trở thành nguồn sống chủ yếu của một bộ phận quan chức và tầng lớp dân cư có địa vị trong xã hội.

- Tham nhũng quyền lực: là dạng tham nhũng mà người tham nhũng lợi dụng quyền lực cá nhân để đưa những người thân tín vào bộ máy công quyền cũng như vào các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị kinh tế, tài chính... vì động cơ vụ lợi. Tham nhũng quyền lực thường thể hiện ở các mức độ khác nhau như: Lạm dụng, vận dụng một cách sai trái các quyền hợp pháp được nhà nước và xã hội trao cho; tạo ra các hình thức để mở rộng quyền lực nhằm thỏa mãn những lợi ích không hợp pháp; lợi dụng quyền lực để thỏa mãn khát vọng về quyền lực nhằm duy trì quyền lực đã tham nhũng được hoặc mưu cầu cương vị quyền lực cao hơn… Điển hình cho dạng tham nhũng quyền lực là hiện tượng nhiều cá nhân không xứng đáng, không đủ phẩm chất, trình độ, năng lực nhưng lại chiếm giữ nhiều cương vị, nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước, các tổ chức, đơn vị kinh tế, tài chính. Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “tham quyền cố vị” chính là biểu hiện rõ nét nhất của dạng tham nhũng này.

Dưới góc độ phân loại học, tham nhũng còn được thể hiện ở các dạng sau:

- Tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ: Theo Bộ công cụ phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc, tham nhũng lớn là loại tham nhũng xâm nhập đến tận những cấp bậc cao nhất của Chính phủ quốc gia, làm xói mòn lòng tin vào sự quản lý đúng đắn, nguyên tắc nhà nước pháp quyền và sự ổn định của nền kinh tế. Tham nhũng nhỏ là tham nhũng liên quan đến việc đổi chác một số tiền nhỏ, việc làm ơn không đáng kể bởi những người tìm kiếm sự ưu đãi, hoặc việc sử dụng bạn bè hay họ hàng nắm giữ chức vụ nhỏ. Như vậy, có thể thấy, tham nhũng lớn thường diễn ra trong lĩnh vực quản lý kinh tế nhà nước, với các hiện tượng phổ biến như: tham ô tài sản, lập dự án ma, dự án khống để rút tiền, hối lộ các quan chức cấp cao của bộ máy nhà nước để trúng thầu các dự án lớn, “lại quả” khi ký kết hợp đồng mua sắm tài sản công…; tham nhũng nhỏ là dạng tham nhũng phổ biến bởi các hiện tượng như: bồi dưỡng phong bì cho bác sĩ trong bệnh viện; thu học phí cao hơn quy định của nhà nước trong các trường học; nạn mãi lộ trong cảnh sát giao thông, hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước…

- Tham nhũng chính trị: là dạng tham nhũng được hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của nhà nước có lợi cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc những nhóm lợi ích nào đó. Như vậy, có thể hiểu tham nhũng chính trị là sự lạm dụng quyền lực chính trị được giao để thu lợi riêng, với mục đích tăng quyền hoặc tăng tài sản. Biểu hiện của dạng tham nhũng này là: dùng vị trí chính trị, ảnh hưởng chính trị của mình để can thiệp vào việc có hoặc không đưa ra một quyết định mang tính chính trị (chính sách, đạo luật, thỏa thuận…) một cách thiên vị nhằm mục đích vụ lợi; mua bán, trao đổi các chức vụ chính trị, vị trí có quyền lực, chạy chức, chạy quyền, sau đó dùng vị trí của mình để trục lợi cá nhân…

- Tham nhũng hành chính: là dạng tham nhũng xảy ra phổ biến trong các hoạt động quản lý hành chính của đội ngũ công chức hành chính. Ở đó những người được giao quyền đã sử dụng quyền lực hành chính, trình tự thủ tục hành chính để gây khó khăn cho công dân hoặc tổ chức nhằm trục lợi cho bản thân. Biểu hiện của tham nhũng hành chính là: hạch sách, nhũng nhiễu trong việc thực hiện một thủ tục, một quyết định cụ thể nào đó mà công dân, tổ chức có quyền được hưởng từ cơ quan hành chính nhà nước; thiên vị trong thực hiện pháp luật…

Giải quyết thủ tục hành chính (Ảnh mang tính minh họa)
Giải quyết thủ tục hành chính (Ảnh mang tính minh họa)

- Tham nhũng kinh tế: là dạng tham nhũng xảy ra trong hoạt động quản lý kinh tế như, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, mua sắm tài sản công, quản lý tài sản… được thực hiện bởi những người có thẩm quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế, những người có thẩm quyền trong doanh nghiệp nhà nước. Biểu hiện của tham nhũng kinh tế là: chiếm đoạt trái phép các tài sản của nhà nước, công dân nhằm trục lợi cá nhân; ra các quyết định kinh tế trái pháp luật hoặc thiên vị nhằm trục lợi cá nhân; lợi dụng sơ hở của pháp luật hoặc vi phạm pháp luật để tiến hành sản xuất, kinh doanh, trục lợi, gây thiệt hại cho xã hội…

Ngoài ra, tham nhũng còn được thể hiện dưới các dạng như: Tham nhũng công, tham nhũng tư; tham nhũng cá nhân, tham nhũng tập thể; tham nhũng xuyên quốc gia, tham nhũng trong nội bộ quốc gia; tham nhũng trực tiếp, tham nhũng gián tiếp; tham nhũng chủ động (đưa hối lộ), tham nhũng bị động (nhận hối lộ)…

(Theo "Hỏi - Đáp về phòng, chống tham nhũng”, Nxb Chính trị quốc gia, tác giả Phạm Ngọc Hiền - Phạm Anh Tuấn)

;
.