Điểm báo tuần số 426 từ ngày 28/6 đến ngày 04/7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 05/07/2021, 15:25 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Nhân dân, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Người Lao động, Tuổi trẻ Thủ đô, Công lý, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28/6) phản ánh các nội dung Hội nghị giao ban trực tuyến các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Tổ chức Trung ương và Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã thực hiện 6 nội dung, trong đó có 2 nội dung về công tác nhân sự. 4 nội dung còn lại bao gồm: tham mưu Bộ Chính trị quy định tuổi bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định liên quan đến chức danh thư ký và trợ lý của một số các chức danh lãnh đạo; đề án đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đề án vị trí việc làm. Đối với các công việc Ban Bí thư giao, từ đầu năm đến nay Ban Tổ chức Trung ương đã trình 3 vấn đề: báo cáo việc tổng kết thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng; tổng kết quy định về việc xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên; báo cáo sơ kết thí điểm giao quyền đào tạo, xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao các kết quả đạt được của các đơn vị, địa phương, nhất là công tác bầu cử. Đồng chí Trương Thị Mai đã thông tin tới Hội nghị một số kết quả liên quan các công việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương và ngành tổ chức xây dựng Đảng thời gian qua. Đồng chí đề nghị các tỉnh, thành ủy và ban tổ chức các tỉnh, thành ủy sáu tháng cuối năm cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ Ban Tổ chức Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Kiểm Toán, Người lao động, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (29/6), cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá. Theo đó, Chính phủ tập trung rà soát, xem xét việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan nhằm khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 8 nội dung: Dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; đề nghị xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 năm 2005 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm trong công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quan tâm công tác xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, đạt kết quả quan trọng, ban hành nhiều chính sách kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng nêu rõ, đổi mới, hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong các cuộc họp gần đây, nhất là tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất. Các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước gần đây cũng nhấn mạnh nội dung này. Trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một nội dung quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động (30/6) theo nguồn tin từ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, đã ra quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Tuyển bằng hình thức khiển trách và ông Vương Ngọc Dũng bằng hình thức cảnh cáo. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó trưởng Công an huyện Bù Gia Mập trong thời gian giữ chức vụ Huyện ủy viên, Phó trưởng Công an huyện Phú Riềng đã có sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn dẫn đến dư luận phản ánh, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an. Đối với ông Vương Ngọc Dũng, đảng viên, cán bộ Đội Xây dựng phong trào, Bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an thị xã Phước Long trong thời gian công tác tại Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an huyện Phú Riềng, đã có các sai phạm trong nhiệm vụ chuyên môn, quy định của ngành công an. Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định thi hành kỷ luật đối với hai ông này.
Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (30/6) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương sơ kết 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các đơn vị của Ban Nội chính Trung ương bám sát vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) để theo dõi, chỉ đạo và kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo kế hoạch.Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các đơn vị liên quan tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế, xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; bên cạnh đó, tập trung hoàn thành bảy đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo kế hoạch. Trong đó có "Quy định khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc khối các cơ quan nội chính theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII và đáp ứng tình hình mới"; "Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng"; "Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN"; "Ðề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN"; "Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"...
Báo Nhân dân, Công an nhân dân, VietNamNet, Tiền Phong, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Dân trí, Hà Nội mới (30/6) cho biết, sau hơn một tháng bị truy nã đặc biệt, bị can Lê Văn Dũng (còn được gọi là Lê Dũng Vova, cư trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) đã bị bắt. Cụ thể, khi đang lẩn trốn tại địa bàn xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, Lê Văn Dũng đã bị tổ công tác của Công an TP. Hà Nội phát hiện, bắt giữ thành công. Trước đó, ngày 28/5, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định truy nã Lê Văn Dũng với tội danh: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Được biết, dưới danh nghĩa “đấu tranh yêu nước”, Lê Văn Dũng cùng một số đối tượng tự xưng “dân chủ” khác tích cực kích động và tham gia vào các hoạt động biểu tình, tụ tập đông người. Tự cho mình là “học giả”, Lê Dũng Vova đã triệt để lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tiến hành các hoạt động chống phá chế độ, chống phá Đảng, chống phá Nhà nước.
Báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (01/7) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Tài, Phó Tư lệnh Quân khu 9, do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về đảng. Trước đó, ngày 25/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Tài, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Tài đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định. Đồng chí cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2015-2020. Vi phạm của đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Tài là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận đến mức cần phải kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Thời báo Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (01/7) đồng loạt đưa tin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9/2021. Theo quyết định của Chủ tịch nước, thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2021. Các đối tượng đặc xá bao gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Như vậy đây là lần đâu tiên kể từ khi Luật Đặc xá được sửa đổi vào năm 2018, Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhằm thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội. Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan tố tụng trung ương và Bộ Công an về thi hành Luật Đặc xá. Tại cuộc họp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần phải thực hiện nghiêm đạo luật này nhằm thể hiện sự ưu việt của chế độ ta. Hiện nay, ngoài chế định đặc xá, Bộ luật hình sự cũng có quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nhưng hai chế định này không giống nhau. Vì tha tù trước thời hạn là biện pháp tạm tha do Tòa án quyết định, còn đặc xá là tha hoàn toàn do Chủ tịch nước quyết định theo thủ tục riêng biệt ngoài Tòa án.
Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Thanh Niên, VnExpress, Dân trí, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (02/7) cho biết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp lý uy tín của đất nước để lắng nghe những ý kiến góp ý vào việc xây dựng đề án quan trọng này. Cùng dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung năm 2011) đã đề cập đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Luận điểm quan trọng này đã được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI và Hiến pháp 2013: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức quản lý bằng pháp luật. Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như: Việc đổi mới chưa đồng bộ giữa kinh tế và tổ chức, bộ máy; cơ chế kiểm soát quyền lực; cơ chế giám sát, vai trò giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử chưa đạt mong muốn đề ra; việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm; chế tài xử lý chưa đủ mạnh; việc xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa đủ răn đe; cải cách tư pháp, cải cách hành chính chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia cho ý kiến vào một số vấn đề như: Phạm vi của đề án, nội dung nghiên cứu, các chuyên đề chuyên sâu thực hiện đề án và việc phân công, tổ chức thực hiện xây dựng dự thảo đề án. Qua nghe ý kiến của các nhà khoa học tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng, các ý kiến góp ý lần này là “tinh hoa” của giới luật học Việt Nam, nếu được tháo gỡ, triển khai tốt sẽ có thể tạo ra bước đột phá trong xây dựng, phát triển đất nước. Chủ tịch nước cho biết, đề án dự kiến sẽ được thông qua trong chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, VietNamNet, Tiền Phong, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Dân trí, Hà Nội mới Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (03/7) tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương cho biết, đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Văn Vì, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử phường Ái Quốc; ông Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử phường Ái Quốc và ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khu dân cư Văn Xá, Trưởng ban bầu cử số 3, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 3. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức mọi chức vụ trong Đảng đối với ông Vũ Hữu Oanh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường. Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương cũng quyết định cho thôi giữ chức danh Bí thư Đảng ủy phường Ái Quốc đối với ông Đỗ Văn Vì, cho thôi giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy phường Ái Quốc đối với ông Nguyễn Văn Thái, quyết định không giới thiệu ứng cử các chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND phường Ái Quốc nhiệm kỳ 2021-2026 đối với các ông Nguyễn Văn Thái, Đỗ Văn Vì.Trước đó, qua dư luận và đơn thư, Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Bầu cử thành phố Hải Dương nhận thấy: Ông Vũ Hữu Oanh, Đảng ủy viên, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường, thành viên Ủy ban bầu cử phường Ái Quốc phụ trách Tổ bầu cử số 3, đồng thời là ứng cử viên đại biểu HĐND phường Ái Quốc nhiệm kỳ 2021-2026 tại Tổ bầu cử số 3, phường Ái Quốc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về bầu cử.Hiện, Ủy ban Bầu cử phường Ái Quốc đã xem xét, không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu HĐND phường Ái Quốc đối với ông Vũ Hữu Oanh. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố và phường Ái Quốc tiếp tục làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm, đúng quy định.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Công an nhân dân, VietNamNet, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật, Thanh Niên, VnExpress, Đài TNVN (28/6) đưa tin, Tòa án TP Cần Thơ đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại quận Bình Thủy. Bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, cựu Phó chủ tịch UBND quận và các thuộc cấp gồm: Lê Văn Vũ, cựu Trưởng phòng Tài nguyên môi trường; Huỳnh Thanh Trung, cựu Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai; Lê Hồng Khánh, chuyên viên Phòng Tài nguyên môi trường; Nguyễn Việt Hòa, nguyên Tổ trưởng tổ đo đạc văn phòng đăng ký đất đai); Trần Tuấn Anh, nguyên nhân viên hợp đồng Văn phòng đăng ký đất đai, bị xét xử về tội danh nói trên.Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo thực hiện từ tháng 11/2015 - 7/2017, tức trước ngày 01/01/2018. Từ căn cứ trên, TAND TP Cần Thơ quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, làm rõ căn cứ truy tố các bị cáo theo điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đồng thời làm rõ hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Tuấn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Báo Lao Động, Giáo dục, Tiền Phong, Dân trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Đài TNVN, TTXVN (29/6) cho biết, giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk đã làm đơn tố giác ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Hiệu trưởng và ông Trần Văn Khương, Kế toán đã có hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản nhà nước". Cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đã vào cuộc thanh tra và có kết luận: Ông Hòa và ông Khương đã lập khống 20 phiếu chi công tác phí, chi tiếp khách, chi hợp đồng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, chi mua sắm… chiếm đoạt 1,854 tỷ đồng. Tháng 12/2020, khi sự việc bị phanh phui, ông Khương và ông Hòa đã giao nộp lại cho thủ quỹ của nhà trường số tiền đã chiếm đoạt trên. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Dân trí, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Lao Động, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (30/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2). Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với 06 bị can, gồm: Trần Xuân Lâm, nguyên Trưởng Phòng Kinh tế ngành thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, hiện là Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương; Võ Văn Lượng, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, hiện là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Phạm Văn Cành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Ngô Dũng Phương, Trưởng phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Báo Công an nhân dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Xây Dựng, Đại đoàn kết, Đời sống và Pháp luật, Kiểm Toán, Giáo dục và Thời đại, Tiền Phong, Dân trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (30/6) thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, đã chuyển tài liệu hồ sơ 2 vụ việc sai phạm tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thụ lý, xem xét. Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cho thuê mặt bằng các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án có một số vi phạm, sai phạm có dấu hiệu bất thường. Tổng số tiền thuê đất Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phải nộp ngân sách nhà nước nhưng chưa nộp (tạm tính) khoảng 658 tỷ đồng. Số tiền này Khu Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình không có khả năng nộp, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách Nhà nước". Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, VnExpress, Dân trí, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (01/7) dẫn nguồn tin từ Huyện ủy Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã ban hành Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng đối với Lò Văn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà. Thụ lý đơn thư tố cáo của công dân, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quan Sơn đã tiến hành kiểm tra đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Căn cứ kết quả kiểm tra và đề xuất hình thức xử lý đối với đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã xem xét, quyết định thi hành hình thức kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lò Văn Thành, vì đã có hành vi vòi vĩnh, phiền hà doanh nghiệp, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Ngày 29/6, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBND xã Sơn Hà nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lò Văn Thành.
TIN QUỐC TẾ
Báo Người Lao động, Thanh tra, VietNamPlus (28/6) đưa tin, Báo Triều Tiên kêu gọi các quan chức chống tham nhũng, quan liêu. Trong một bài xã luận, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã đưa ra lời kêu gọi các quan chức đấu tranh để loại bỏ tận gốc những "tệ nạn nguy hiểm" trong xã hội, chẳng hạn như quan liêu và tham nhũng.Bài xã luận được coi là lời cảnh báo các quan chức cần phải siết chặt kỷ luật trong bối cảnh áp lực kinh tế ngày càng tăng do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt toàn cầu và đại dịch coronavirus.Mới đây, ngày 15/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 đã tiến hành kỳ họp toàn thể lần thứ 3, tổng kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong năm 2021 đã được đề ra tại kỳ họp thứ 2, đề ra các biện pháp để giải quyết những vấn đề khẩn cấp hiện nay để cải thiện hoạt động kinh tế cũng như đời sống của nhân dân, thảo luận và quyết định về những vấn đề nhằm đẩy mạnh hoạt động nhà nước trong hoàn cảnh hiện nay.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Ban Nội chính Trung ương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021
- Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã họp Phiên thứ nhất
- Cách chức Phó Tư lệnh Quân khu 9
- Đề nghị Bộ Công an điều tra sai phạm tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình
- Cách chức Phó Bí thư đảng ủy xã có hành vi vòi vĩnh, phiền hà doanh nghiệp.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG