Điểm báo tuần số 399 từ ngày 21/12 đến ngày 27/12 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 28/12/2020, 10:47 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Thời báo Tài Chính, Giáo dục, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/12) đưa tin, Toà án Nhân dân tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tới 800 điểm cầu trong cả nước tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020, triển khai công tác Toà án năm 2021.  Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, cũng là năm đất nước và Toà án diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, do đó Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã chủ động kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Theo đó, trong nhiệm kỳ các toà án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết hơn 2,3 triệu vụ việc đạt tỉ lệ 97,6%; chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra; đã xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội... Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, đánh giá cao Toà án nhân dân tối cao đã thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp. Nổi bật là Toà án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số mặt còn tồn tại hạn chế trong thời gian qua của Toà án các cấp như tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ hủy, sửa án hành chính vẫn còn cao... Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời cũng là năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; chính vì vậy trọng trách của Toà án nhân dân tối cao là tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác, yêu cầu cải cách tư pháp và những nhiệm vụ mới của nhiệm kỳ là rất lớn, rất nặng nề. Tòa án nhân dân các cấp cần suy nghĩ những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một Chiến lược cải cách tư pháp mới của Toà án nói riêng và nền tư pháp nói chung nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới. Tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Phụ nữ Việt Nam, Hải quan, Đầu tư, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22/12) phản ánh các nội dung Hội nghị Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 4 (khóa IX). Giai đoạn 2018-2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên đã tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính; tài chính công; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; các dự án BOT, BT… nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những “khe hở” dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề ra trọng tâm công tác năm 2021, đó là vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo. Tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện nhiệm vụ Mặt trận tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; phát huy vai trò của nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước; tăng cường vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường các hoạt động đối ngoại nhân dân; chú trọng các hoạt động xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Nhà báo và Công luận, Gia đình và Xã hội, Hải quan, Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, TTXVN (22/12) cho biết, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống đại dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu tại Chỉ thị này tại địa phương mình, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân nhất là các gia đình bị thiệt hại do bão, lũ vừa qua, bảo đảm mọi người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa, thực phẩm động vật, đặc biệt là động vật hoang dã vào Việt Nam.
 
    Báo Cần Thơ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Giao Thông, Nhà báo và Công luận, Khoa học và Đời sống, Hà Nội mới, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (23/12) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Lê Thị Bình để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối tượng Lê Thị Bình, sinh năm 1976, đăng ký thường trú: Số nhà 367/38, đường Trần Quang Diệu, khu vực 2, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Qua quá trình khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã thu giữ nhiều tài liệu có nội dung liên quan tới việc chống phá Đảng, Nhà nước.Hiện, vụ án đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Xây Dựng, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Đài TNVN, Đài TNVN, TTXVN (24/12) phản ánh các nội dung Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 của Bộ Tư pháp. Năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ… Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng, trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật và thực thi thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần phát huy dân chủ nhưng phải kỷ cương phép nước. Đất nước có phát triển hay không phụ thuộc vào quá trình này.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại yêu cầu từ đầu nhiệm kỳ này đó là trong quá trình Chính phủ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp thì không được phép để xảy ra tham nhũng và lợi ích nhóm trong hoàn thiện và xây dựng pháp luật. Vì thế, Bộ và ngành tư pháp phải quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng chủ trương này. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ tới, Bộ Tư pháp phải vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật vừa bảo đảm hệ thống pháp luật bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, VietnamNet (21/12) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Phó Trưởng ban gồm: Đồng chí Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ (Thường trực); đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tổ công tác liên ngành xây dựng Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng và ban hành Kế hoạch; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong phạm vi các bộ, ngành, lĩnh vực mình quản lý và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo; Chỉ đạo Tổ công tác liên ngành tổng hợp kết quả tổng kết thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong phạm vi toàn quốc; Chỉ đạo xâỵ dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo tổng kết và kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng.
 
    Báo Lao Động, Công an nhân dân, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Đài TNVN, TTXVN (21/12) cho biết, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Lam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ; Nguyễn Xuân Tứ, nguyên Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện và Nguyễn Đông Dương, nguyên Chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện về tội “Tham ô tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo cáo trạng, Năm 2012, bị cáo Nguyễn Hồng Lam lúc này là trưởng phòng Kế hoạch - tài chính huyện đã bàn bạc với các thuộc cấp gồm Nguyễn Xuân Tứ, Nguyễn Đông Dương để chiếm đoạt số tiền 524 triệu đồng. Số tiền này được kê trong hạng mục thanh lý cây cao su và giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Lam, 15 năm tù giam; Nguyễn Xuân Tứ, nhận mức án 10 năm tù; Nguyễn Đông nhận mức án 07 năm tù.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Khoa học và Đời sống, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, TTXVN (22/12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên  xét xử bị cáo Bùi Minh Chính, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) và 07 đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí là doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong giai đoạn 2011-2017, Bùi Minh Chính làm Chủ tịch HĐQT đã bàn với cấp dưới  lập khống các hợp đồng dịch vụ môi giới chuyển nhượng bất động sản trái quy định. Giai đoạn này, các bị cáo nêu trên đã lập khống 17 hợp đồng và một phụ lục hợp đồng dịch vụ môi giới, tư vấn, chi tiền, gây thiệt hại cho Petroland số tiền 50 tỷ đồng. Các bị cáo cấp dưới dù biết là hợp đồng dịch vụ khống vẫn tham gia lập hồ sơ thanh toán theo chỉ đạo của cấp trên.
 
    Báo Bắc Giang, Nhân Dân, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Thời đại, Dân trí, TTXVN (24/12) thông tin từ Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đoàn Từ Tấn, là phóng viên Tạp chí Môi trường & Sức khỏe, để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Trước đó, ngày 10/12, Công an huyện Lục Ngạn nhận được tin báo một người đàn ông tên Đoàn Từ Tấn tự nhận là phóng viên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe đến các trường mầm non để tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm sau đó yêu cầu các trường đưa tiền để viết bài. Tổ công tác Công an huyện bắt quả tang Đoàn Từ Tấn có hành vi nhận 2 triệu đồng từ Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Cốc. Tấn còn tự giao nộp cho tổ công tác Công an huyện một phong bì có ghi chữ “Trường Mầm non Nghĩa Hồ”, bên trong chứa 2 triệu đồng; kiểm tra đồ vật và người đối tượng, tổ công tác thu giữ số tiền hơn 6,5 triệu đồng. Tiến hành khai thác nhanh, Tấn thừa nhận, trước đó có đến các trường mầm non: Quý Sơn, Phượng Sơn, Nghĩa Hồ và thị trấn Chũ với danh nghĩa phóng viên để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và đều nhận số tiền 2 triệu đồng.
 
    Báo Nhân  dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giao Thông, Người đưa tin, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân trí, An ninh Thủ đô, VietnamNet, Đài THVN, TTXVN (24/12) cho biết, Công an tỉnh  Phú Thọ đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc đối với 04 cán bộ Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Phú Thọ, gồm: Vi Ngọc Khang, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ và các ông Chu Ngọc Hoàng, Bùi Mạnh Công và Hà Minh Tuyền, đều là Kiểm sát viên thị trường thuộc Đội QLTT số 8, Cục QLTT Phú Thọ, để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đơn tố cáo, Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành điều tra, xác minh, cho thấy những cán bộ nói trên thường xuyên vòi vĩnh, yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm nộp tiền sau đó không xử lý hoặc có xử lý tịch thu hàng hóa nhưng lại hợp thức hồ sơ không thu giữ hoặc trả lại tang vật cho người vi phạm, gây bức xúc trong dư luận. Các vụ việc vi phạm nêu trên cần được khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Giao Thông, Tài nguyên và Môi trường, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (26/12) dẫn nguồn tin từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đỗ Xuân Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cùng 5 cán bộ cấp dưới, để xem xét trách nhiệm và phục vụ công tác điều tra vụ buôn lậu 500 tấn hàng hóa. Trước đó, ngày 17/12, Cục Cảnh sát điều ra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và các cục nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá nhóm đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xuyên quốc gia tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh do Đào Văn Chấp, tức “Cường Hà” cầm đầu, thu giữ nhiều hàng hóa, tài liệu, vật chứng có liên quan đến hoạt động của các đối tượng. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (21/12) cho biết, hàng nghìn người dân Israel đã đổ xuống đường phố để tiếp tục phản đối tham nhũng trong Chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chức trong bối cảnh ông bị xét xử hình sự trong 3 vụ án tham nhũng và bị phản đối về cách quản lý kém trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Các cuộc biểu tình hàng tuần chống lại Thủ tướng Netanyahu và nội các của ông đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Thủ tướng Netanyahu, người đang bị xét xử vì tội hối lộ, gian lận và vi phạm lòng tin, khẳng định rằng, công lý đang bị bóp méo nhằm buộc ông phải rời nhiệm sở. Vào tháng 9/2020, ông Netanyahu đã kêu gọi một "cuộc điều tra độc lập" đối với các nhà điều tra đã đưa ra cáo buộc tham nhũng chống lại ông.
 
    Đài Truyền hình Việt Nam (23/12) đưa tin, các công tố viên thành phố Rio de Janeiro, Brazil đã cáo buộc hành vi tham nhũng đối với ông Crivella, Thị trưởng thành phố Rio de Janeirovà 25 người khác. Ông Marcelo Crivella đã bị bắt giam với cáo buộc đứng đầu một tổ chức tội phạm thực hiện các hoạt động nhận hối lộ, tham nhũng và làm lợi bất chính bằng nhiều phương thức từ năm 2017. Cơ quan chức năng Brazil bắt đầu mở một cuộc điều tra liên quan tới ông Crivella từ năm 2018 sau khi nhận được đơn tố cáo nghi ngờ có sự mờ ám trong hoạt động ký hợp đồng của cơ quan du lịch địa phương Riotur; trong đó doanh nhân Rafael Alves - một người thân tín của cựu Thị trưởng Crivella, đóng vai trò quan trọng. Theo tài liệu điều tra, tổ chức tội phạm này đã quyên góp một cách bất hợp pháp ít nhất 50 triệu Real (gần 10 triệu USD) thông qua các hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp và Riotur.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
    - Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025.
    - Bị cáo Nguyễn Hồng Lam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nhận 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. 
    - Xét xử bị cáo Bùi Minh Chính, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) và 07 đồng phạm.
    - Tạm giữ khẩn cấp đối với Vi Ngọc Khang, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.