Phú Thọ: Kết quả công tác cải cách tư pháp

Thứ Sáu, 23/07/2021, 10:08 [GMT+7]
    Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tỉnh ủy Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nội chính triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, định hướng của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp; tổ chức tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, sửa đổi quy chế làm việc và phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách tại các ngành, lĩnh vực.
 
    Tổ chức quán triệt và ban hành văn bản lãnh đạo thực hiện Kết luận số 83-KL/TW và Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
 
Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại Trại Tạm giam Công an tỉnh (tháng 5/2021)
Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại Trại Tạm giam Công an tỉnh (tháng 5/2021)
    Ngành tư pháp triển khai chương trình, kế hoạch công tác, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; tham mưu ban hành kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 43/2020/CT-TTg, ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; kế hoạch công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản năm 2021 trên địa bàn tỉnh; danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
 
    Tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, tham gia ý kiến 152 lượt dự thảo văn bản của tỉnh; cập nhật 10 văn bản quy phạm pháp luật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; tiếp nhận 1.194 thông tin án tích, 1.652 thông tin lý lịch tư pháp; tiếp nhận, thẩm định 3.071 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp; cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện 178 vụ, việc tham gia tố tụng; thực hiện tư vấn pháp lý cho 07 vụ việc. 
 
    Các cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều tra; truy tố, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan sai người vô tội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin đáp đứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ chính trị địa phương.
 
    Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đẩy mạnh công tác thực hành quyền công tố kiểm sát ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, truy tố nhằm đảm bảo không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm, được dư luận quan tâm. Qua công tác kiểm sát, đã ban hành 537 bản yêu cầu điều tra; ban hành 07 kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra; 08 kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và  tội phạm; tiếp tục tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, tạm giữ, tạm giam; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đặc biệt là trong hoạt động tư pháp.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp đã quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tòa án nhân dân tối cao và của Tỉnh ủy; tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; tổ chức triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tạo hành lang pháp lý cho công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án. Thực hiện tốt việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua mạng và bằng phương tiện điện tử.
 
    Cục Thi hành án dân sự tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai tốt kế hoạch công tác năm 2021 của ngành; tăng cường công tác xác minh, phân loại án để giải quyết đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm ra quyết định về thi hành án dân sự đúng thời hạn đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật; trong đó, tập trung vào các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng; án trọng điểm, án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tiền, tài sản cho Nhà nước.
 
    Ngành tư pháp đã tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thông tin tuyên truyền về hoạt động tư pháp, nâng cao chất lượng các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và công tác cải cách tư pháp; quán triệt, phổ biến các văn bản pháp luật mới; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông đăng tải, phát sóng nhiều lượt tin bài, phóng sự tuyên truyền pháp luật và hoạt động tư pháp.
Tuệ Minh
.