Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình: Tăng cường phối hợp trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp
Thứ Ba, 29/12/2020, 08:34 [GMT+7]
Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình được tái lập và tổ chức ra mắt sớm nhất trong toàn quốc (tháng 4/2013). Ngay từ ngày đầu thành lập, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tích cực kiện toàn tổ chức, bộ máy... Hiện nay, tổ chức, bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình gồm 03 phòng nghiệp vụ, 16 biên chế, 03 lãnh đạo Ban, trong đó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 01 Phó trưởng Ban là Tỉnh ủy viên.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai và xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác hằng năm; chủ trì, phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; duy trì mối quan hệ giữa các huyện, thành ủy với các cơ quan nội chính; giữa các cơ quan trong khối nội chính; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính; chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2020 |
Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra chủ trương, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp đạt hiệu quả.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vừa ổn định tổ chức, vừa triển khai hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ công tác phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các huyện, thành ủy để tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ban hành nhiều Quy chế phối hợp. Trong đó có quy chế giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Thanh tra tỉnh, Đảng ủy Sở Tư pháp trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp đã tạo được chuyển biến tích cực, rõ nét trong hoạt động phối hợp công tác của mỗi cơ quan, đơn vị. Các cơ quan phối hợp đã chủ động thực hiện các nội dung phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của mình trên nguyên tắc bảo đảm các quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên; chế độ trao đổi thông tin; việc xử lý công việc liên quan đến công tác phối hợp; mối quan hệ công tác giữa các phòng nghiệp vụ của mỗi cơ quan phối hợp ngày càng chặt chẽ. Khi có vấn đề phát sinh, lãnh đạo các cơ quan phối hợp đã kịp thời trao đổi, thống nhất, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Kết quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đã góp phần làm tốt công tác xây dựng Đảng, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tổ giúp việc các huyện ủy, Thành ủy chủ động tham mưu có hiệu quả với cấp ủy tỉnh, huyện về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, các cơ quan nội chính tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ban Chỉ đạo 1593 ban hành gần 300 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, 82 báo cáo về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các quyết định về thành lập và kiện toàn bổ sung Ban Chỉ đạo 1593; tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo 1593; chủ trì tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, báo cáo tiến độ và nội dung phục vụ các kỳ họp của Ban Chỉ đạo 1593; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tham mưu Ban Chỉ đạo 1593 đưa 11 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; tham dự các phiên toà xét xử vụ án diện Ban Chỉ đạo 1593 theo dõi, chỉ đạo.
Chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức tiếp dân định kỳ hằng tháng. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Ban và đơn do Thường trực Tỉnh ủy giao; chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tổng kết, sơ kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp bảo đảm đúng tiến độ, mục đích, yêu cầu đề ra. Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 11 cuộc kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng. Hằng năm chủ trì rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, báo cáo Ban Bí thư và các bộ, ngành Trung ương; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp tổ chức 10 cuộc kiểm tra về công tác nội chính, cải cách tư pháp tại các huyện ủy, thành ủy, các tổ chức đảng cơ quan tư pháp và các ngành có liên quan. Sau mỗi cuộc kiểm tra Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức thực hiện.
Tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chủ trì giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng hằng quý, 6 tháng, năm; sau mỗi kỳ giao ban, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại hội nghị giao ban gửi ban thường vụ các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của tỉnh để triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận; thực hiện tốt nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; tham gia Đoàn thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc các sở, ngành trong việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng… Ban Nội chính chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan thẩm định báo cáo văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ký ban hành.
Ngay sau khi tái lập, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1168-CV/TU, ngày 14/6/2014 về việc thành lập Tổ giúp việc công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cấp huyện. Các huyện ủy, thành ủy đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Tổ giúp việc. Mỗi Tổ giúp việc có từ 06 đến 08 đồng chí là lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng cấp ủy cấp huyện, Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp. Tổ trưởng do đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra đảm nhiệm, đồng chí Phó Chánh Văn phòng cấp ủy làm Tổ phó. Sau mỗi kỳ đại hội có sự thay đổi về nhân sự, các huyện ủy, thành ủy đã kịp thời kiện toàn, bổ sung Tổ giúp việc bảo đảm cho cấp ủy huyện tham mưu, giúp việc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Để có đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp bảo đảm tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, có phương pháp công tác, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả, từ ngày tái lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho trên 300 cán bộ tổng hợp, tham mưu giúp việc công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp của 08 huyện, thành ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và chuyên viên của Ban. Thông qua đó, chất lượng tham mưu và phương pháp tác nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp các cấp được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Có thể nói, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)