Bình Định: Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Thứ Hai, 28/12/2020, 15:48 [GMT+7]
    Từ năm 2013 đến nay, các cấp, các ngành tỉnh Bình Định đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên tất cả các lĩnh vực được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản khác có liên quan, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như việc ban hành và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội; công tác quy hoạch, kế hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công công tác tổ chức cán bộ; hoạt động quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước. 
 
    Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thường xuyên việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chế độ, tiêu chuẩn, định mức trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 520 văn bản có quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn làm cơ sở để thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư, xây dựng cơ bản, phí và lệ phí, chế độ chi tiêu hội nghị, tập huấn, tiếp khách, đi công tác.
 
Bình Định tăng cường cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
Bình Định tăng cường cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
    Các cấp, các ngành đã tổ chức tập huấn, phổ biến, quán triệt, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 42-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. 
 
    Hàng năm có 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị và trên 99% cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập thực hiện nghiêm việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; việc kê khai tài sản, thu nhập phục vụ bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước.
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hiện Quy định về Chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức viết cam kết không tham nhũng, lãng phí; việc niêm yết công khai và kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng. Qua thực hiện đã góp phần tạo sự chuyển biến trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác và thái độ phục vụ nhân dân.
 
    Các ngành, địa phương tiếp tục xây dựng và thực hiện thường xuyên kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ, quy định của các bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là đối với những vị trí công tác nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng hoặc có phản ánh về những biểu hiện chưa tốt khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 
 
    Ngoài ra, một số ngành, địa phương còn kết hợp thực hiện kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác với việc luân chuyển, điều động, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng theo quy định của Đảng và yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện đề án vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kết quả, trong kỳ các ngành, địa phương đã thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với 6.799 cán bộ, công chức, viên chức.
 
    Các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, địa phương đã xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch cải cách hành chính đề ra hàng năm; công tác củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện chính sách tinh giảm biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được thực hiện đảm bảo đúng lộ trình đề ra theo chủ trương của Trung ương, kế hoạch của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.
                                                                                   Thăng Quyết
.