Thanh Hóa: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Hai, 26/10/2020, 17:05 [GMT+7]
    Ngày 10/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 19- CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Triển khai chỉ thị, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí ngày càng được nâng cao, các giải pháp PCTN được triển khai  đồng bộ, hiệu quả hơn, số vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng cao so với trước đây.
 
    Trong 5 năm qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 2.039 hội nghị, cuộc họp tuyên truyền về các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí với 211.244 lượt cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia, đã ban hành mới 240 văn bản, sửa đổi 86 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PCTN, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật PCTN. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã ký kết và triển khai chương trình phối hợp công tác tuyên truyền PCTN giai đoạn 2016-2020 với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCTN... Thông qua công tác phổ biến, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về PCTN, lãng phí, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội về đấu tranh PCTN, lãng phí.
 
Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Hậu Lộc
Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Hậu Lộc
    Để thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, 5 năm qua các đơn vị, địa phương đã rà soát, sửa đổi, ban hành mới 173 văn bản, kiến nghị sửa đổi bổ sung 807 văn bản liên quan đến các lĩnh vực như: Công tác quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, cấp phát, sử dụng kinh phí, tổ chức cán bộ, thi đua - khen thưởng, thực hiện các chế độ, chính sách...; kịp thời phát hiện những thiếu sót, sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách để sửa đổi hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tránh lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách để tiêu cực, tham nhũng.
 
    Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tiến hành 2.222 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị địa phương về thực hiện các quy định về công khai, minh bạch. Qua kiểm tra, đã phát hiện 54 đơn vị vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động, đã chấn chỉnh và kiểm điểm theo quy định. Bên cạnh đó, việc xây dựng, thực hiện các định mức, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn, tài sản Nhà nước đã được thực hiện ngày càng chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Các cơ quan, đơn vị đã ban hành mới 1.574 văn bản, bổ sung, sửa đổi 1.249 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 425 cuộc kiểm tra, thanh tra đối với 487 đơn vị về thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; qua đó phát hiện 35 đơn vị vi phạm, đã chấn chỉnh và xử lý thu hồi trên 1.097 triệu đồng.
 
    Thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN, việc xây dựng và thực hiện kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp ngày càng được chú trọng hơn. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC để phòng ngừa tham nhũng đã đi vào nền nếp, thường xuyên. Giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 2.098 người thuộc diện phải chuyển đổi, nhất là ở các vị trí kế toán, địa chính. Cùng với đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền đã triển khai nghiêm túc các Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; Chỉ thị số 04-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội; Quyết định 1089-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt... Việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập đã có chuyển biến. Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng đã thực hiện nghiêm minh.
 
    Tại Thanh Hóa, nhiều vụ việc, vụ án dư luận quan tâm, bức xúc đã được xử lý nhanh chóng, nghiêm túc, quyết liệt, đã tạo được sự đồng thuận trong dư luận Nhân dân. Đơn cử như: Liên quan đến sự việc người dân phản ánh người nhà bí thư đảng ủy và một số cán bộ xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa có tên trong danh sách hộ cận nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện xác minh, kết luận, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan trong vụ việc, đồng thời yêu cầu không tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đối với bí thư đảng ủy đương nhiệm; đưa ra khỏi nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đối với 2 trường hợp.
 
    Trước đó, liên quan đến vụ việc xảy ra tại xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2017, các cơ quan chức năng của huyện phát hiện hàng loạt sai phạm của lãnh đạo và cán bộ, công chức xã Nga Thanh trong việc rà soát, lập danh sách các hộ nghèo để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong đó, vợ của hàng loạt lãnh đạo xã đã được ghép vào danh sách các hộ nghèo trên địa bàn xã để trục lợi. Sau khi có kết luận làm rõ những sai phạm của các đối tượng, các cấp ủy, chính quyền huyện Nga Sơn, xã Nga Thanh đã có hình thức xử lý kỷ luật về Đảng và về mặt chính quyền đối với 22 cán bộ xã, thôn đã để xảy ra sai phạm trong việc bình xét, rà soát và quản lý hộ nghèo trên địa bàn gây bức xúc cho Nhân dân và dư luận.
 
    Việc kiên quyết xử lý, không có vùng cấm đối với các vi phạm liên quan đến các đối tượng trong các cơ quan tư pháp, thậm chí ngay trong cơ quan có chức năng PCTN cũng cho thấy sự nghiêm minh, tính răn đe cao của Đảng, Nhà nước đối với các hành vi tham nhũng, hối lộ, lãng phí. Liên quan đến vụ việc đưa và nhận hối lộ trong quá trình tiến hành thanh tra đối với các đơn vị thực hiện các dự án ở huyện Thiệu Hóa mắc sai phạm, 5 bị cáo nguyên là cán bộ của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt tổng cộng 154 tháng tù về tội nhận hối lộ… Trong một vụ án khác, liên quan đến việc nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Chí Phương, cựu trưởng Công an TP. Thanh Hóa cũng đã bị tuyên phạt 24 tháng tù giam.
 
    Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ qua, vai trò của Nhân dân, MTTQ trong công tác giám sát, phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng tại cơ sở đã được phát huy. Đơn cử như vụ việc tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, từ những lá đơn tố cáo của công dân xã về việc một số cán bộ, nguyên cán bộ của xã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để lập hồ sơ khống nhằm chiếm dụng đất đai gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, qua điều tra, ngày 6/10/2018 Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng là cán bộ địa chính xã và trưởng thôn 3 để điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, lập khống hồ sơ, tăng diện tích bồi thường của 126 hộ dân trên địa bàn thôn 3, xã Quảng Lộc trong diện được bồi thường giải phóng mặt bằng để chiếm đoạt của Nhà nước gần 800 triệu đồng trong 2 năm 2016-2017. Tiếp đó, tháng 5/2019, Công an huyện tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng nguyên là các cán bộ UBND xã Quảng Lộc giai đoạn 2003-2006 có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để lập hồ sơ khống chiếm đoạt 8 lô đất trên trục đường 4A. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng có sai phạm, tình hình tại xã Quảng Lộc đã ổn định, dư luận Nhân dân đồng tình.
 
    Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Tỉnh ủy Thanh Hóa lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “chống” và “xây”; giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Gắn PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn PCTN, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không muốn tham nhũng.
                                                                                            P.V
.