Tập trung cải cách quy trình, thủ tục hành chính nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Thứ Năm, 14/09/2023, 17:10 [GMT+7]
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 372/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất của Tổ công tác.
Theo Thông báo, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các kết quả đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, đây là tín hiệu tích cực thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, từng bước tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa được như kỳ vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp do một số nguyên nhân. Do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, ưu tiên, quyết liệt chỉ đạo đối với công tác cải cách thủ tục hành chính; việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cắt giảm thủ tục hành chính chưa theo kịp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; một số bộ, cơ quan chưa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; thủ tục hành chính nội bộ còn rườm rà, phức tạp…
Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ |
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng đã đưa ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thay đổi tư duy, cách làm và phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong triển khai cải cách thủ tục hành chính. Tập trung cải cách quy trình, thủ tục hành chính nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, tránh phát sinh thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý và tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định về thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay trong quá trình dự thảo văn bản, bảo đảm chỉ ban hành các quy định cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp. Phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính từ trung ương cho địa phương và trong nội bộ từng bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành cần tập trung vào khâu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, hạn chế sa vào công việc sự vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính để công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và giải quyết thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Lê Sơn