Điểm báo số 537 từ ngày 04/9 đến ngày 10/9 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 11/09/2023, 14:47 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Các báo (05/9) cho biết, liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an Đồng Nai vừa triệt phá một tổ chức lừa đảo bán dự án ma tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai do Nguyễn Văn An, Giám đốc Công ty Lộc Phúc cùng 185 nhân viên thực hiện. Trong đó, có 122 nhân viên, 20 người được thuê đóng giả khách hàng, 43 khách hàng là nạn nhân của công ty đang tạo dựng sàn bất động sản ở một dự án chui. Khám xét trụ sở Công ty Lộc Phúc tại TP. Hồ Chí Minh, công an đã thu giữ nhiều tang vật, hơn 2,4 tỷ đồng, 18 nghìn Yên Nhật, 3,5 nghìn USD, 24,3 lượng vàng cùng nhiều phương tiện ô tô phục vụ hành vi lừa đảo.
 
    Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (06/9) đưa tin, nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng khi tham gia đầu tư giao dịch dầu thô qua app “Quỹ đầu tư MBK”. Nạn nhân cho biết, được tư vấn tải app tham gia quỹ và mở tài khoản để giao dịch “dầu thô”. Các nhà đầu tư được các thầy và trợ lý dẫn dắt, hướng dẫn đầu tư. Sau khi được nghe tư vấn, một nạn nhân tên H. đã chuyển khoản nhiều lần với số tiền hơn 4 tỷ đồng để thực hiện mua bán dầu thô, tài khoản của chị H. được hưởng lợi lên đến hơn 10 tỷ đồng. Khi số tiền trong tài khoản lên đến gần 20 tỷ, nạn nhân làm thủ tục rút tiền thì không rút được. Lúc này các đối tượng yêu cầu phải nộp thêm 8 tỷ đồng mới được rút tiền. Tuy nhiên, khi thấy nạn nhân không hợp tác chuyển tiền, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền 4 tỷ của chị H. Người này đã làm đơn trình báo cơ quan Công an TP. Hà Nội.
 
    Đài TNVN, báo Công an nhân dân, Tiền phong, Công thương, Lao động, VietNamNet, VTCnews, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân việt và một số báo (07-08/9) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Vũ Thị Thúy bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân, tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Quá trình điều tra, bước đầu xác định Thúy (từng có một tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án. Thúy cam kết trả lãi suất 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty, dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Sau đó, Thúy lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Với thủ đoạn trên, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân, với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
 
    Quochoi.vn, báo Chinhphu.vn, Baomoi.com, Công dân và khuyến học (09/9) thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết xử lý kỷ luật đối với ông Mai Văn Ninh, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa bằng hình thức Cảnh cáo. Ông Ninh trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa (từ tháng 8/2011 đến tháng 10/2014), chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của HĐND tỉnh và đã bị kỷ luật về Đảng. Ông Mai Văn Ninh được xác định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động, Người lao động, Đấu thầu, Giao thông, Pháp luật Việt Nam, VnExpress, Dân trí, Yên Bái, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Long An (10/9) cho biết, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, và ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thủ tướng thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải do đã có vi phạm trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thủ tướng cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2014 đối với ông Nguyễn Đình Xứng. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét và kết luận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc chấp thuận chủ trương, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất..., cho một số dự án, trong đó có các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động, Chinhphu.vn, Dân trí và một số báo (04/9) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố ông Quách Văn Đức, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tín Nghĩa về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Ông Quách Văn Đức, được xác định chịu trách nhiệm chính, chủ mưu cầm đầu vụ sai phạm tại Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch. Cùng bị đề nghị truy tố về hành vi trên còn có ông Phan Thanh Vĩnh Toàn, nguyên Tổng Giám đốc; Đỗ Tấn Điềm, thành viên HĐQT và Nguyễn Văn Hồng, nguyên thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa). Các bị can được xác định, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước gần 279 tỷ đồng.
 
    Báo Quân đội nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động, Pháp luật TP.HCM và các báo (06/9) đồng loạt đưa tin, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiến hành phiên họp thẩm tra báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng năm 2023. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Nổi bật trong số này là việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập. Đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người kê khai bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ… Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…). Theo báo cáo, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Cụ thể, 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (3 người bị khiển trách, 12 người bị cảnh cáo và 13 người bị cách chức).
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (06/9) thông tin, Công an tỉnh Hà Nam khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 02 đối tượng, gồm: Bùi Thành Chung, trú ở phường Châu Sơn và Phạm Hồng Thanh, trú ở phường Thanh Châu, đều ở thành phố Phủ Lý về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế”. Qua tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện, lập biên bản xử lý đối với một số phương tiện vận tải mang logo Trung Doãn thuộc Công ty TNHH vận tải thương mại Hưng Vượng chở hàng vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông. Tiến hành kiểm tra các giấy tờ liên quan đến mua bán hàng hóa thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, lực lượng chức năng Công an tỉnh nhận thấy, Công ty này có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.
 
    Theo TTXVN, Nhân dân điện tử và một số báo (07/9), Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can để điều tra, làm rõ hành vi tham ô tài sản. Vụ án gồm 04 đối tượng công tác tại Trung tâm Khuyến nông Giống cây trồng Vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk; 06 đối tượng là cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột và Trạm Khuyến nông các huyện Lắk, Krông Bông, EaH’Leo. Theo điều tra, năm 2018, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ký hợp đồng đặt hàng với Công ty Cổ phần Phát triển giống gia súc miền Trung (tỉnh Khánh Hòa) về sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống vật nuôi. Tổng giá trị hợp đồng hơn 1,19 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Phát triển giống gia súc miền Trung và Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk (nay là Trung tâm Khuyến nông Giống cây trồng Vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk) ký hợp đồng về việc phối giống bò thuộc Chương trình giống gốc năm 2018 với số lượng 2.500 con bò. Tổng giá trị hợp đồng hơn 234 triệu đồng. Tuy nhiên, các đối tượng này thông đồng lập khống hồ sơ, từ đó, hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ chiếm đoạt tổng giá trị hợp đồng hơn 234 triệu đồng.
 
    Các báo (08/9) đưa tin, Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, buôn lậu xảy ra tại Chi cục Thú y Vùng VI (thuộc Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Trạm Kiểm dịch động vật Cảng - Bưu điện (thuộc Chi cục Thú y Vùng VI), Công ty TNHH xuất nhập khẩu dinh dưỡng Hoàng Sa (trụ sở tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Cụ thể, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng VI; Lý Hoài Vũ, Chi cục phó; Nguyễn Minh Thành, nhân viên; Trần Trung Nhân, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Cảng - Bưu điện; Nguyễn Văn Trung, kiểm dịch viên về tội “Nhận hối lộ”. Các bị can Trần Nguyên Bình, Đỗ Thùy Nhung bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ”, “Buôn lậu”. Các bị can Đặng Minh Đức, Huỳnh Văn Thịnh, Nguyễn Thị Kiều Thi, Trần Thị Thanh Luyến, Nguyễn Thị Hiền cùng bị khởi tố về tội “Buôn lậu”. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTNTC TP. Hồ Chí Minh theo dõi, chỉ đạo.
 
    Theo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (08/9) thông tin, Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố 06 bị can liên quan đến Công ty Cổ phần đăng kiểm Tây Ninh để điều tra, làm rõ về hành vi đưa, nhận hối lộ. Các bị can gồm: Văn Công Phong, Giám đốc Công ty; Văn Công Phú, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV ô tô Tây Ninh; Nguyễn Thị Lê Vân, Chủ sở hữu Công ty TNHH MTV ô tô Tây Ninh; Ngô Anh Tuấn, Đăng kiểm viên, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 7003D, thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; Lê Bá Phát, Đăng kiểm viên Công ty Cổ phần đăng kiểm Tây Ninh; Nguyễn Phước Vinh, Chuyên viên Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Tây Ninh. Các báo (10/9) cho biết, Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 3 đối tượng thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D, Trà Vinh. Các đối tượng gồm Giám đốc Trung tâm 84-02D; Nguyễn Quốc Thống, nguyên Phó Giám đốc, kiêm Trưởng dây chuyền kiểm định Trung tâm 84-02D và Cao Châu, nguyên nhân viên Văn phòng. Các đối tượng này có dấu hiệu sai phạm, hợp thức hóa hồ sơ, thu lợi bất hợp pháp trên 3,5 tỷ đồng, số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Trần Lập Nghĩa, chủ đầu tư Trung tâm này. Hiện tại, Trần Lập Nghĩa đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ và giả mạo trong công tác.
 
    Các báo (09/9) đưa tin, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đặt câu hỏi, trong kết luận điều tra, Bộ Công an xác định Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng và chi hơn 106 tỷ đồng để đưa hối lộ. Trước đó, cơ quan này cho biết Công ty Việt Á kiếm lãi 4.000 tỷ, chi 800 tỷ để bôi trơn. Về các số liệu chênh lệch liên quan tới doanh thu và chi tiền hoa hồng trong vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, sau khi khởi tố vụ án và tạm giam Phan Quốc Việt và các bị can có liên quan. Đến nay, vụ án vẫn đang tiếp tục điều tra để làm rõ con số về số tiền thu lợi bất chính và tiền bôi trơn trong vụ án này tại một số tỉnh, thành. Trung tướng Tô Ân Xô cũng giải thích vì sao cùng một hành vi nhận tiền mà các bị can khác nhau lại bị đề nghị truy tố các tội danh khác nhau. Việc này có sự phân hóa với từng bị can, xác định rõ từng hành vi phạm tội một cách thấu đáo, phân tích rõ tình tiết nào là tăng nặng, tình tiết nào là giảm nhẹ trách nhiệm, khoan hồng trên nguyên tắc không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
 
    Theo báo Nhân Dân điện tử, Bảo vệ pháp luật, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (10/9), Công an huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phí Đức Vui, Chủ tịch UBND xã Đông Á, huyện Đông Hưng để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời, khởi tố bị can đối với Lê Văn Luy, Công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Với vai trò là Chủ tịch UBND xã Đông Á, bị can Phí Đức Vui đã chỉ đạo kế toán UBND xã bỏ ngoài hệ thống sổ sách kế toán số tiền hơn 1,27 tỷ đồng. Đến nay, qua điều tra xác định trong số tiền trên Phí Đức Vui đã nhiều lần chỉ đạo kế toán chi không đúng quy định, gây thiệt hại hơn 717 triệu đồng. Ngoài ra, trong các tháng 11/2021 và tháng 6/2022, Phí Đức Vui đã cùng Lê Văn Luy đã lập khống chứng từ để rút tiền từ Ngân sách của UBND xã Đông Á gây thiệt hại số tiền là hơn 23 triệu đồng.
 
    Báo Tiền phong, VietNamNet, Baomoi.com (10/9) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với 2 bị can trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan. 02 đối tượng bị bắt là bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty và thuộc cấp Nguyễn Thị Như Phương. Theo báo, Bà Hạnh là một đại gia xăng dầu trong nhiều năm qua, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà là 1 trong gần 40 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn trên cả nước. Đây là một đầu mối xuất khập khẩu lớn ở phía Nam, với doanh số bán ra cả tỷ lít xăng dầu mỗi năm, với số tiền bán hàng có năm lên tới con số chục nghìn tỷ đồng. Nữ Giám đốc của Xuyên Việt Oil được biết đến là “bà trùm” xăng dầu, khách hàng lớn của 2 công ty lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, doanh số bán hàng cao gấp chục lần các đầu mối lớn khác, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (06/9) cho biết, Quách Tín Lương, hiện là Ủy viên Hội đồng thành phố Đài Nam và Cao Tiến Kiến, một lãnh đạo quận, đã bị nghi ngờ vào tháng 5 khi các công tố viên điều tra một công ty tư vấn kỹ thuật vì can thiệp bất hợp pháp vào quy hoạch dự án đất đai. Các công tố viên Đài Nam đã triệu tập hơn 10 người để thẩm vấn liên quan đến vụ án và được phép bắt giữ Quách Tín Lương vì cáo buộc tống tiền và nhận hối lộ hơn 13 triệu Đài tệ từ công ty, dưới chiêu bài thỏa thuận thanh toán vào năm 2021.
 
    Báo Thanh tra (08/9) đưa tin, Cựu Phó Chủ tịch chính quyền Khu tự trị Tây Tạng Zhang Yongze đã ra hầu tòa vì tội nhận hối lộ. Theo Tân Hoa Xã, vụ án được xét xử bởi Tòa án nhân dân Trung cấp Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Từ năm 2003 đến 2021, Zhang Yongze bị cáo buộc đã lợi dụng nhiều chức vụ khác nhau ở Tây Tạng để hỗ trợ các cá nhân và tổ chức trong những vấn đề như ký kết hợp đồng dự án và thăng tiến nhân sự. Đổi lại, ông ta nhận tiền và tài sản trị giá hơn 51,81 triệu nhân dân tệ (khoảng 7,2 triệu USD).
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Tham gia đầu tư quỹ giao dịch dầu thô, nhiều người bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng;
    - Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng;
    - Khởi tố, bắt tạm giam “bà trùm” xăng dầu siêu khủng Xuyên Việt Oil;
    - Khởi tố vụ án liên quan đến Trung tâm đăng kiểm Tây Ninh và Trà Vinh.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.