Một số kết quả công tác hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật thực sự là nhiệm vụ trọng tâm

Thứ Hai, 12/09/2022, 08:10 [GMT+7]
     Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới nảy sinh cần giải quyết, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ của quốc tế, nước ta đã vượt qua nhưng khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
 
Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
    Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ tháng 10/2021 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến 24 đề nghị xây dựng và 19 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 05 phiên họp chuyên đề để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án, dự thảo được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn. Các dự án, dự thảo được các bộ chuẩn bị kỹ lưỡng.
 
    Tính từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/8/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 110 văn bản quy định chi tiết; trong đó có 70 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực trước ngày 01/8/2022. Kết quả đến ngày 01/8/2022, đã ban hành được 59/70 văn bản, còn lại 11/70 văn bản nợ, chưa ban hành. Đối với 40/110 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực sau ngày 01/8/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ xây dựng, trình ban hành. 
 
    Công tác chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến giáo dục các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được chú trọng tổ chức, triển khai kịp thời. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lồng ghép nhiệm vụ phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành trong năm 2022 trong kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm của địa phương.
    
    Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền đã đạt được những kết quả, chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Từ ngày 01/10/2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.742 quy định kinh doanh tại 125 văn bản.
 
    Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; một số bộ, địa phương, việc phát hiện, kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật chưa kịp thời; có trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật nhưng cơ quan ban hành chậm xử lý theo quy định; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan chưa hiệu quả, đầy đủ, đúng theo quy định; việc thực hiện hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan chưa bảo đảm thời hạn hợp nhất văn bản; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như thực thi phương án đã được phê duyệt còn chậm; việc triển khai hoạt động theo dõi thi hành pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả...
                                                                                Văn Dũng
.