Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thứ Năm, 22/10/2020, 08:08 [GMT+7]
Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tới 63 điểm cầu trong cả nước.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật năm 2020) có nhiều nội dung mới, quan trọng và liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng văn bản, tổ chức và thi hành pháp luật của các địa phương; vì vậy, việc kịp thời nắm bắt các quy định mới để vận dụng chính xác là hết sức quan trọng.
Theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số1323/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020. “Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng để đưa các quy định mới của Luật vào thực tiễn, giúp các Bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt và áp dụng hiệu quả trong công tác xây dựng văn bản”.
Quang cảnh Hội nghị điểm cầu Bộ Tư pháp |
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được giới thiệu và quán triệt những nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, một trong những nội dung mới đáng chú ý của Luật năm 2020 là quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật năm 2020 đã bổ sung một số hình thức văn bản gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Ngoài ra, Luật năm 2020 cũng đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; thu hẹp phạm vi loại văn bản quy phạm pháp luật phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Hội nghị triển khai Kế hoạch thi hành Luật năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1323/QĐ-TTG ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1995/QĐ-BTP ngày 25/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật năm 2020 và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị HĐND, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc quán triệt, nghiên cứu, tập huấn để nắm chính xác hơn, sâu sắc hơn các quy định mới của Luật năm 2020 trong đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật; quan tâm, chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả văn bản liên quan đến công tác xây dựng pháp luật ở địa phương; Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, cán bộ pháp chế sở ngành chuyên trách, cán bộ pháp chế theo vị trí công việc.
Thu Hương