Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân
Thứ Tư, 22/07/2020, 16:41 [GMT+7]
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ban hành Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quy định có hiệu lực kể từ ngày 09/7/2020.
Quy định về trình tự, thủ tục tiếp công dân của công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Quy định được áp dụng đối với Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp được phân công nhiệm vụ tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân |
Quy định gồm 5 chương, 31 điều, quy định: Những quy định chung; tiếp người khiếu nại; tiếp người tố cáo; tiếp người kiến nghị, phản ánh và tổ chức thực hiện.
Theo Quy định, việc tiếp người tố cáo gồm những nội dung sau: Xác định thông tin cá nhân của người tố cáo; Giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; Tiếp nhận, nghe, ghi chép nội dung tố cáo; Tiếp nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ do người tố cáo cung cấp; Xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người tố cáo; Xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền, không thuộc thẩm quyền; Xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiết hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; Xử lý tố cáo đối với đảng viên; Xử lý tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại đã được giải quyết.
Người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân biết lý do từ chối và phải báo cáo cho lãnh đạo đơn vị biết.
Đối với những trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ cơ quan hoặc một công chức khác trong đơn vị lập biên bản ghi nhận sự việc để làm cơ sở từ chối tiếp công dân. Trường hợp công dân có hành vi gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ tại nơi tiếp công dân, Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an xã, phường, thị trấn tại nơi tiếp công dân lập biên bản ghi nhận sự việc; báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân thì người tiếp công dân dự thảo văn bản Thông báo từ chối tiếp công dân, trình người có thẩm quyền ký ban hành.
PV