Thanh tra Chính phủ: Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 11/10/2019, 14:18 [GMT+7]
    Ngày 10-10, Thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2019 - 2021".
 
    Việc thực hiện Đề án góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN.
 
    Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN sẽ được đăng tải trên báo, tạp chí, trang thông tin điện tử. Trong đó, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trung tâm Thông tin, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trên báo, tạp chí, trang thông tin điện tử; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phổ hiến các quy định pháp luật về PCTN; đăng các tin, bài về công tác PCTN, mỗi đơn vị có trách nhiệm đăng mỗi tháng tối thiểu 01 tin, bài về công tác PCTN; giải đáp pháp luật về PCTN, phỏng vấn công chức làm công tác PCTN về việc giải quyết các tình huống cụ thể.
 
Một Hội nghị tuyên truyền pháp luật của Thanh tra Chính phủ
Một Hội nghị tuyên truyền pháp luật của Thanh tra Chính phủ
    Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCTN trong phạm vi cả nước.
 
    Cục Phòng, chống tham nhũng, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra có trách nhiệm tổ chức tối thiểu 02 hội thảo, toạ đàm chuyên đề có nội dung, chủ đề PCTN.
 
    Vụ Pháp chế có trách nhiệm chủ trì, tham mưu đối với hoạt động hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN của các bộ, ngành, địa phương.
 
    Cục PCTN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác Quốc tế trong việc phát hành, quảng bá trên phạm vi toàn quốc, tranh ảnh, khẩu hiệu, cổ động về PCTN trong dịp Ngày Quốc tế PCTN...
 
    Đề án 861 có 8 nhiệm vụ cụ thể, đó là: Đến hết năm 2021, 100% chương trình đào tạo thuộc các loại hình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có nội dung về chính sách, pháp luật về PCTN, đạo đức liêm chính; hàng năm, 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; giáo viên, giảng viên các môn pháp luật, giáo dục công dân được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách, pháp luật về PCTN; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN dưới các hình thức.
 
    Đến hết năm 2019 có 90%, đến hết năm 2021 có 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Đến hết năm 2019 có 85%, đến hết năm 2021 có 100% người lao động tại cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Đến hết năm 2019 có 75%, đến hết năm 2021 có 90% người lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN. Đến hết năm 2019 có 60% đến 70%, đến hết năm 2021 có 70% đến 85% người dân nông thôn, dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tiểu thương, lao động tự do được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN.
    
    Hình thành trên phạm vi toàn quốc văn hoá minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhận thức rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ là vi phạm pháp luật và trái đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, cần lên án mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, củng cố vững chắc đạo đức, hành vi chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
                                                                                    Hương Giang
.