Khai mạc phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Thứ Ba, 26/04/2016, 11:18 [GMT+7]
    Ngày 25-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 47.
 
    Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 vấn đề quan trọng: Xem xét, đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV. Việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND. Về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung: về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; về bổ sung tạm thời biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước. Các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị. 
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII
    Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc ban hành Nghị quyết quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND.
 
    Nghị quyết quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động đối với đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
 
    Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND các cấp.
 
    Về chế độ, chính sách đối với đại biểu HĐND, Nghị quyết nêu rõ, về tiền lương, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật; đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
 
    Về hoạt động phí, đại biểu HĐND (bao gồm cả đại biểu chuyên trách và không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng như sau: đại biểu HĐND cấp xã hệ số 0,3 mức lương cơ sở; đại biểu HĐND huyện hệ số 0,4 mức lương cơ sở; đại biểu HĐND cấp tỉnh hệ số 0,5 mức lương cơ sở; đại biểu HĐND của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thành lập tương đương với cấp tỉnh hoặc cấp huyện thì được hưởng hoạt động phí tương ứng với cấp đó.
 
    Nghị quyết cũng nêu rõ, ngoài các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bảo đảm chỗ làm việc, máy móc, thiết bị văn phòng theo quy định đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Đại biểu HĐND được cung cấp báo cáo của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của HĐND. Việc cung cấp báo chí và thông tin cần thiết khác cho đại biểu HĐND do HĐND cấp tỉnh quyết định. Đại biểu HĐND được cấp kinh phí hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát theo quyết định của HĐND cấp tỉnh và được hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu.
 
    Qua thảo luận, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016 và thay thế quy định tại Điều 75 và Điều 77 Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế hoạt động của HĐND. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND thì yếu tố quan trọng nhất là con người, sau đó mới là chính sách. Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết là khung chung, là trụ cột chung áp dụng cho các cấp HĐND, nhưng nếu có thể giao cho Chính phủ tùy vào đặc thù chính quyền đô thị, tùy vào thực tế kinh tế - xã hội để quy định mức phù hợp với tình hình thực tiễn, để linh hoạt hơn trong việc áp dụng, tránh việc quy định cứng. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu cải cách tiền lương để khi trình Đề án tổng thể về cải cách tiền lương thì phải tính tới việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Nếu cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết sửa đổi để phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển.
                                                                                                    Lê Hiếu
                                                                                                     (VOV)
;
.