Bế mạc Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII
Thứ Tư, 27/04/2016, 10:13 [GMT+7]
Ngày 26-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 47.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp thứ 47 đã hoàn thành chương trình đề ra: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế và những vấn đề cần quan tâm rút kinh nghiệm tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII. Thảo luận và cho ý kiến bước đầu về nội dung chương trình, các công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV. Thông qua việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu HĐND, đề nghị các bên liên quan tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Thảo luận và cho ý kiến về tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xung quanh chế độ chính sách, điều kiện làm việc của thẩm phán tòa án nhân dân, số lượng của các thẩm phán các cấp để thực hiện Luật Tổ chức tòa án nhân dân, đề nghị Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu, chỉnh lý để tiến hành thẩm tra chính thức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc phê chuẩn, bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2019 tại một số nước. Về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về việc phân loại đô thị, đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng các cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một lần nữa trước khi ban hành.
Bế mạc Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII |
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, sau khi danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV được công bố chiều 26-4, đề nghị những người trong danh sách lên chương trình tiếp xúc cử tri và trình bày các chương trình hành động. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu tái cử hoặc ứng cử hoàn thành việc tiếp xúc cử tri và kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử trước ngày bầu cử ít nhất 1 tuần.
Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về việc phân loại đô thị.
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính gồm 4 mục và 19 điều. Cụ thể, đơn vị tỉnh, huyện, xã được phân thành 3 loại: loại I, loại II, loại III. Phân loại đơn vị hành chính đối với đô thị, cụ thể đối với thành phố trực thuộc trung ương như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các thành phố trực thuộc trung ương còn lại phân thành hai loại: loại I và loại II. Đối với quận, thị xã, thành phố, tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn được phân thành 3 loại: loại I, loại II, loại III. Phân loại đơn vị hành chính ở hải đảo chỉ cần đạt từ 50% trở lên mức tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc và đạt 70% trở lên mức tiêu chuẩn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính tương ứng.
Nguyên tắc, phương pháp xác định các tiêu chuẩn để phân loại các đơn vị hành chính loại I, loại II là tính mức bình quân chung của từng tiêu chuẩn quy định cho mỗi đơn vị hành chính trong phạm vi cả nước theo đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, miền núi, vùng cao. Đơn vị hành chính theo từng cấp đạt loại I khi có các tiêu chuẩn quy định đạt 1,25 lần so với mức bình quân chung của cả nước đối với loại đơn vị hành chính đó. Đơn vị hành chính theo từng cấp đạt loại II khi các tiêu chuẩn quy định đạt 0,85 lần so với mức bình quân chung của cả nước đối với loại đơn vị hành chính đó.
Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phân loại đô thị nêu rõ, một số tiêu chuẩn và tiêu chí phân loại đô thị của Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7-5-2009 không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của các đô thị và điều kiện thực tế hiện nay. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị quyết quy định về phân loại đô thị quy định rõ 5 tiêu chí phân loại đô thị theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm: quy mô dân số; mật độ dân số đô thị; cơ sở hạ tầng; kiến trúc cảnh quan gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường.
Hồng Hà
(Báo Nhân dân)
;