Đảm bảo các nguồn lực cho việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp
(BNCTW) - Ngày 13-8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về dự thảo Đề án đảm bảo các nguồn lực cho việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp (GĐTP). Đề án là hoạt động nằm trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp để đảm bảo các nguồn lực cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về GĐTP của Bộ Tư pháp.
Tham dự Tọa đàm có các đồng chí đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên môi trường, Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện các Sở Tư pháp địa phương và một số cơ quan hữu quan khác.
Trong thời gian qua, việc thống nhất quản lý nhà nước về GĐTP của Bộ Tư pháp đã đạt được một số kết quả nhất định, công tác thể chế từng bước được hoàn thiện, hệ thống các văn bản về GĐTP ngày càng được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng trong điều kiện cải cách tư pháp, đẩy mạnh giải quyết các vụ án tham nhũng thì việc quản lý nhà nước về GĐTP của Bộ Tư pháp mới tập trung chủ yếu vào việc xây dựng chính sách, ban hành thể chế, chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các bộ, ngành và địa phương tổ chức, triển khai các nhiệm vụ được giao. Việc cập nhật thông tin, số liệu về hoạt động GĐTP từ các bộ, ngành, địa phương chưa được kịp thời. Sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng trong quản lý GĐTP còn rất hạn chế, lỏng lẻo. Hoạt động kiểm tra của Bộ Tư pháp đối với công tác GĐTP chủ yếu tập trung vào khâu kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai các văn bản, đề án, nên nhiều vấn đề tồn tại, phát sinh trong tổ chức, hoạt động GĐTP chưa được kịp thời kiểm tra, thanh tra và xử lý.
Những bất cập nêu trên đặt ra cho Đề án phải bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về GĐTP của Bộ Tư pháp; bảo đảm đủ các nguồn lực, đủ thông tin, số liệu về tổ chức, hoạt động GĐTP đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, có sự kết nối, liên thông với các bộ, ngành chủ quản; bảo đảm quản lý nhà nước về GĐTP hiệu quả và đi vào thực chất, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập hiện nay trong quản lý GĐTP.
Với những mục tiêu nêu trên, Đề án đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp: Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ về GĐTP; tăng cường vai trò đầu mối, tham mưu giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về GĐTP; tăng cường sự phối hợp, xây dựng cơ chế thông tin thông suốt giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành chủ quản, các địa phương và các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương, các cơ quan có liên quan; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và nhân lực cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý GĐTP của Bộ Tư pháp.
Nguyễn Phương Thảo