Thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 trong Công an nhân dân
Thứ Hai, 17/03/2014, 11:38 [GMT+7]
Thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (năm 2009) của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong những năm qua cho thấy, bên cạnh những thuận lợi là những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Sau khi BLHS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được ban hành, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch và tổ chức xây dựng tài liệu, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của BLHS và các văn bản pháp luật liên quan. Tích cực, chủ động công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành LHS tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Công tác điều tra, xử lý tội phạm có những chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; số án khởi tố điều tra và kết quả xử lý năm sau cao hơn năm trước; các trường hợp đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra chiếm tỷ lệ nhỏ trong các vụ án kết thúc điều tra; hạn chế được oan, sai; chủ động phòng ngừa tội phạm; góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Từ năm 2008 đến năm 2012, các Cơ quan điều tra trong CAND và các cơ quan khác trong CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố 340.130 vụ án hình sự, với 532.548 bị can, chiếm gần 99% số lượng vụ án hình sự và trên 99% số bị can bị khởi tố trong toàn quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Bộ Công an cho rằng, các quy định ở Phần chung của Bộ luật còn nhiều quy định mới chỉ dừng lại ở mức quy định chung, khái quát, cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng. Ví dụ như: Tại Điều 2 quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự chưa rõ ràng như thế nào là trách nhiệm hình sự, thời điểm phát sinh và kết thúc trách nhiệm hình sự; thẩm quyền xác định trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, BLHS cũng chưa có các khái niệm về “nhiều tội phạm”, “phạm nhiều tội”, “phạm tội nhiều lần” dẫn đến nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật; có trường hợp hai hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị xét xử về một tội trong khi đó một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị xét xử về hai tội. Điều 15, điều luật quy định về phòng vệ chính đáng còn mang tính nguyên tắc, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.
Một số quy định về hình phạt không phù hợp với thực tiễn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, cải tạo, giáo dục người phạm tội. Điều 30 quy định về hình phạt tiền còn nhiều bất cập, chỉ nên quy định đối với tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường và một số tội phạm khác có mục đích kinh tế, không nên mở rộng đối với các tội phạm khác. Đồng thời, quy định Tòa án có trách nhiệm quy định số lần nộp tiền và thời hạn nộp tiền ngay trong bản án tại khoản 4 là chưa phù hợp, thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Việc điều luật chưa quy định cho phép thay thế áp dụng hình phạt tiền bằng hình phạt khác nghiêm khắc hơn nên tính khả thi trong thực tiễn của điều luật này chưa cao.
Về hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 31: hình phạt này rất ít được áp dụng trên thực tế, tác dụng giáo dục, răn đe không cao, nội dung và cơ chế xử lý tương tự như án treo lại không có cơ chế giám sát, giáo dục nghiêm khắc nên có thể phát sinh sai phạm, tiêu cực trong quá trình áp dụng.
Điều 41 quy định tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm: đối tượng bị tịch thu chỉ gồm “vật và tiền” là chưa phù hợp với quy định về tài sản theo Bộ luật dân sự (vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản) và các điều luật về tội phạm cụ thể; hình thức xử lý cũng chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Điều 42 BLHS và Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.
Phần quy định về các tội phạm sở hữu cần sửa đổi theo hướng minh bạch, đơn giản, dễ vận dụng như quy định tội ạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo hướng chỉ cần có hành vi vay, mượn thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi sử dụng tài sản đó không đúng cam kết dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản là tội phạm mà không cần phải có thêm tình tiết dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; chuyển Điều 144 của BLHS về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước về Chương XXI của BLHS quy định các tội phạm về chức vụ cho đúng với bản chất của hành vi phạm tội.
Cũng theo Bộ Công an, quy định về các tội phạm trật tự quản lý kinh tế nên cần được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định là tội phạm đối với hành vi tích trữ các mặt hàng thiết yếu để thu lời bất chính; hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng Internet; hành vi thành lập doanh nghiệp kê khai khống vốn điều lệ rất lớn để lừa đảo, thu lời bất chính; hành vi đột nhập vào nhà người khác nhằm chiếm đoạt tài sản; hành vi huy động vốn trái phép dẫn đến mất khả năng thanh toán như hành vi vay vàng, tiền, ngoại tệ hoặc tài sản của nhiều người nhằm mục đích kinh doanh, hứa hẹn trả lãi suất cao; hành vi bội tín; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế.
Sửa đổi, bổ sung tội lập quỹ trái phép (Điều 166 BLHS) theo hướng bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất với Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, đồng thời, chủ thể của tội phạm này phải là người có chức vụ, quyền hạn. Do vậy, tội danh này nên chuyển sang Chương XXI của BLHS quy định các tội phạm về chức vụ.
Bộ Công an cũng đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu đổi tên tội danh quy định tại Điều 231 của BLHS thành “Tội xâm phạm mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia” cho phù hợp với Luật An ninh quốc gia và xác định cụ thể danh mục các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia để áp dụng thống nhất, đồng thời, thay cụm từ “công trình thông tin – liên lạc” bằng cụm từ “mạng thông tin, truyền thông” cho phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Nghiên cứu để hợp nhất Điều 250 BLHS về tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có và Điều 251 của BLHS về tội rửa tiền vì về bản chất thì đây đều là hành vi rửa tiền, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện để tội rửa tiền đáp ứng đầy đủ hơn các yêu cầu Khuyến nghị về chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Về các tội tham nhũng, cần nghiên cứu hình sự hóa các hành vi vi phạm theo yêu cầu của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng, như: hành vi hối lộ công chức nước ngoài; hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư; hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực tư. Theo đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm “người có chức vụ quyền hạn” (Điều 277 BLHS) theo hướng không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước mà còn bao gồm cả công chức nước ngoài, người có chức vụ, quyền hạn ở các công ty, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (như giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho công ty, doanh nghiệp tư nhân), đồng thời, nghiên cứu khả năng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trương ương 5 (khóa XI). Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng hình sự hóa hành vi “làm giàu bất hợp pháp” cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng…
Lê Ngọc Yến
;