Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm tố tụng hình sự của Cộng hoà Liên bang Đức - Những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam"

Thứ Ba, 19/11/2013, 14:31 [GMT+7]

Ngày 18-11-2013, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm tố tụng hình sự của Cộng hoà Liên bang Đức - Những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nghe và thảo luận về các bài tham luận của GS, TS. Robert Esser, Chủ nhiệm Khoa pháp luật hình sự Đức, châu Âu và quốc tế, Luật tố tụng hình sự và Luật hình sự kinh tế, Trường Đại học Passau. Các bài tham luận gồm các nội dung pháp luật tố tụng hình sự Đức: Hệ thống cơ quan điều tra và thẩm quyền điều tra của từng cơ quan; Thủ tục tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác tội phạm; Quan hệ giữa cơ quan điều tra và cơ quan công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; Các biện pháp cưỡng chế. Trong đó, một số nội dung về pháp luật tố tụng hình sự Đức cần được quan tâm sau: (1) Các viện công tố của Đức thực hiện hai chức năng cơ bản là điều tra các vụ án hình sự và nhân danh nhà nước để buộc tội bị cáo tại phiên tòa. Viện công tố được xem là cơ quan duy nhất có thẩm quyền điều tra hình sự; đây chính là đặc trưng trong pháp luật tố tụng hình sự Đức. Trong khi đó, cơ quan cảnh sát chỉ được coi là “cánh tay nối dài” của viện công tố, thực hiện những nhiệm vụ điều tra theo các chỉ thị từ viện công tố, nói cách khác, viện công tố chỉ đạo và giám sát các hoạt động điều tra. (2) Pháp luật tố tụng hình sự Đức xây dựng chế định thẩm phán điều tra: theo đó, trong giai đoạn điều tra các vụ án nghiêm trọng, thẩm phán điều tra có quyền hỏi cung người bị tình nghi bảo để đảm các quyền lợi cho họ (chẳng hạn như khi thẩm phán quyết định có phê chuẩn lệnh khám nhà hay tạm giam người bị tình nghi hay không), cũng như hỗ trợ cho các hoạt động điều tra của viện công tố. (3) Theo thống kê khoảng 80% các vụ án hình sự tại Đức được khởi nguồn từ các đơn tố giác tội phạm. Bởi vậy, các chính quyền Liên bang và bang tại Đức rất chú trọng đến công tác tiếp dân và đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở vật chất và con người cho hoạt động này. Tất cả các đơn tố giác tội phạm đều phải được vào sổ (sổ giấy và sổ điện tử) và lập thành hồ sơ. (4) Áp dụng biện pháp tạm giam đòi hỏi một thủ tục tố tụng chặt chẽ: lệnh tạm giam phải được thẩm phán phê chuẩn; Viện công tố, trong vòng 24 tiếng sau khi có lệnh tạm giam, phải đưa người bị tạm giam trình diện thẩm phán ngay; Sau khi có lệnh bắt tạm giam thì thẩm phán phải tiến hành thủ tục thẩm tra lệnh này (thẩm phán khi phê chuẩn lệnh tạm giam có thể chưa đủ thời gian xem xét việc bắt tạm giam này có đúng hay không, bởi việc bắt tạm giam đòi hỏi sự khẩn trương). (5) Luật sư có quyền tham gia bất cứ giai đoạn nào của tố tụng hình sự để bảo đảm quyền và lợi ích cho người bị tình nghi.
Những nội dung trên là kinh nghiệm tố tụng hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức rất hữu ích trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Nguyễn Hà Thanh

;
.