Truy tố nguyên Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hồng Hà
Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao ngày 23/11 cho biết đã ban hành cáo trạng vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và truy tố đối với Đỗ Đức Hưng - nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Hồng Hà (Agribank Hồng Hà) cùng 6 bị can khác về các tội danh trên.
Sáu bị can khác trong vụ án cùng bị truy tố gồm: Trịnh Khánh Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Tân Hồng (Công ty Tân Hồng); Đỗ Thị Minh Hiền, Trương Đăng Dần, nguyên Trưởng và Phó phòng Tín dụng Agribank Hồng Hà; Ngô Thị Thu Hường, nguyên cán bộ tín dụng Agribank Hồng Hà; Trần Hữu Tuân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giang Linh và Nguyễn Thị Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thái An.
Một hợp đồng tín dụng bị thu giữ |
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ngày 9/9/2009, Đỗ Đức Hưng được bổ nhiệm làm Giám đốc Agribank Hồng Hà, trong quá trình kinh doanh, phát sinh tỉ lệ nợ xấu cao. Để giấu nợ xấu với Agribank, tránh bị kỷ luật, Đỗ Đức Hưng cùng các thuộc cấp như Đỗ Thị Minh Hiền, Trương Đăng Dần đã cố ý làm trái các quy định của Agribank, ký các bảo lãnh thanh toán vượt quyền phán quyết cho nhóm công ty của Trịnh Khánh Hồng ký hợp đồng mua trả chậm, nhận tiền của các doanh nghiệp để lấy tiền trả nợ ngân hàng.
Từ những bảo lãnh thanh toán này, Trịnh Khánh Hồng đã lợi dụng, lừa dối và chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp. Cụ thể, từ ngày 28/12/2010 đến ngày 13/10/2011, Đỗ Đức Hưng đã ký 15 bảo lãnh thanh toán hết quyền phán quyết cho Công ty Tân Hồng, Công ty Đức Hùng mua hàng, huy động vốn của các doanh nghiệp, không có hồ sơ, không theo dõi trên hệ thống sổ sách, không thu phí cấp tín dụng.
Từ các bảo lãnh được ký trái quy định này, Đỗ Đức Hưng đã tạo điều kiện để Trịnh Khánh Hồng lợi dụng chiếm đoạt gần 282 tỉ đồng của các doanh nghiệp. Số tiền này Hồng đã sử dụng vào các mục đích cá nhân, dẫn đến khả năng mất thanh toán.
Cụ thể, Trịnh Khánh Hồng đã sử dụng bảo lãnh của Agribank Hồng Hà, ký kết nhiều hợp đồng với 9 công ty và nhận được hàng, bán hàng. Số tiền thu được của Trịnh Khánh Hồng là hơn 540 tỉ đồng. Nếu đúng theo hợp đồng thì Hồng phải có trách nhiệm thanh toán tiền cho các doanh nghiệp đã bán hàng theo hình thức trả chậm cho Hồng.
Tuy nhiên, Hồng không làm theo cam kết mà sử dụng gần 108 tỉ đồng để trả cho khoản vay đã đến hạn tại Agribank Hồng Hà; sử dụng hơn 80 tỉ đồng trả nợ cho các đơn vị khác. Đồng thời, để tạo niềm tin cho các đơn vị nhận bảo lãnh, Hồng đã dùng tiền của đơn vị bảo lãnh này trả cho đơn vị bảo lãnh khác với số tiền gần 155 tỉ đồng.
Bản thân Hồng rút tiền mặt sử dụng hơn 195 tỉ đồng, sử dụng cho hoạt động của Công ty Tân Hồng hơn 1,3 tỉ đồng. Khi các doanh nghiệp đòi tiền, Trịnh Khánh Hồng mới chỉ thanh toán được gần 384 tỉ đồng, còn nợ tổng cộng gần 282 tỉ đồng và mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho 7 doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trịnh Khánh Hồng còn mua lại Công ty Giang Linh và Công ty Thái An, sau đó cử nhân viên của mình làm giám đốc trên danh nghĩa để lập hồ sơ vay vốn tại Agribank Hồng Hà, mục đích để vay tiền trả nợ.
Đỗ Đức Hưng đã chỉ đạo Trương Đăng Dần và Ngô Thị Thu Hường lập hồ sơ tín dụng khống, nâng giá trị tài sản đảm bảo cho hai công ty của Trịnh Khánh Hồng là Công ty Giang Linh và Công ty Thái An vay vốn trái quy định, sử dụng vốn vay sai mục đích với ý đồ có trước.
Theo đó, Công ty Giang Linh vay 70 tỉ đồng, Công ty Thái An vay 60 tỉ đồng, đến nay mất khả năng thanh toán, gây hậu quả thiệt hại tài sản của nhà nước với số tiền gần 139 tỉ đồng.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định có nhiều cá nhân khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của Trịnh Khánh Hồng nhưng không có dấu hiệu phạm tội hình sự nên không xử lý.
Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ được 4 khẩu súng và 7 giấy phép sử dụng súng khi khám xét nhà Trịnh Khánh Hồng. Số vũ khí này đã được bàn giao cho Công an tỉnh Nghệ An để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Đào Minh
(CAND)