Thứ Tư, 22/1/2025, 21:51 [GMT + 7]
.
.

Tọa đàm về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2003

Thứ Năm, 21/11/2013, 15:09 [GMT+7]

Ngày 21-11-2013, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Kết quả nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và các tội xâm hại người chưa thành niên”; trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2003.
Đại diện Ban Nội chính Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp tham dự Tọa đàm
Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở dự thảo Báo cáo tổng thuật kết quả nghiên cứu tính hiệu quả, khả thi của các chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và các tội xâm hại người chưa thành niên; Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Bộ luật hình sự; Báo cáo khảo sát liên ngành về thi hành Bộ luật hình sự 1999 tại 09 địa phương; Báo cáo khảo sát thực trạng đấu tranh chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch tại 09 địa bàn trọng điểm và các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử tại các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Các nghiên cứu, đánh giá tập trung vào nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội; các quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội; quy định về tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm nhiều tội; quy định về xóa án tích đối với người chưa thành niên chấp hành xong bản án; quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng.
Trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá các vấn đề nêu trên, Báo cáo đã đưa ra một số đề xuất hoàn thiện chính sách hình sự về người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật hình sự Việt Nam: (1) Giới hạn phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xử lý đối với người chưa thành niên. (2) Sửa đổi căn cứ quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên theo hướng: Khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án cần cân nhắc khả năng cải tạo giáo dục của họ trước tiên, sau đó mới đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. (3) Bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý thay thế biện pháp hình sự. Biện pháp này nên được quy định thành một điều riêng hoặc bổ sung thêm một điểm trong Điều 69 Bộ luật hình sự hiện hành. Theo đó, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, nếu xét thấy người chưa thành niên phạm tội lần đầu, có thái độ ăn năn, hối cải, tích cực, giúp đỡ Cơ quan điều tra, khám phá tội phạm; tính chất, mức độ nguy hiểm không cao; phạm tội mà chưa gây hậu quả hoặc hậu quả không lớn; tích cực khắc phục hậu quả do mình gây ra; được cha mẹ, cơ quan, tổ chức nhận trách nhiệm giám sát giáo dục thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ vụ án và áp dụng một trong các biện pháp xử lý thay thế biện pháp hình sự. (4) Quy định đương nhiên xóa án tích cho người chưa thành niên nếu tính từ khi được tuyên miễn hình phạt, từ khi chấp hành xong bản án hoặc hết thời hiệu thi hành bản án mà không phạm tội mới trong thời hạn sau: 6 tháng trong trường hợp được miễn hình phạt hoặc bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 18 tháng trong trường hợp hình phạt tù đến 3 năm; 24 tháng trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 3 năm đến 15 năm; 3 năm 6 tháng trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 15 năm. (5) Sửa đổi, bổ sung Điều 75 của Bộ luật hình sự theo hướng bỏ khái niệm “tội nặng nhất”, cân nhắc quy định lấy giới hạn là đủ 18 tuổi hay dưới 18 tuổi làm căn cứ tổng hợp theo Điều 50 hay Điều 74 Bộ luật hình sự. (6) Bổ sung quy định về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người chưa thành niên bị kết án phạt tù theo hướng đối với người chưa thành niên bị kết án phạt tù mà có thái độ cải tạo tốt, đã chấp hành được ít nhất ¼ mức phạt tù thì có thể miễn chấp hành hình phạt còn lại cho họ đồng thời áp dụng các biện pháp thử thách đối với họ. Người chưa thành niên vi phạm điều kiện thử thách thì Tòa án tuyên hủy việc áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc người chưa thành niên phải chấp hành hình phạt chưa chấp hành tại trại giam. (7) Coi dấu hiệu chủ thể là người chưa thành niên là một căn cứ để có thể áp dụng tại Điều 47 Bộ luật hình sự trong quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định.
Tại buổi Tọa đàm, Báo cáo cũng đưa ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.

Linh Đan
 

;
.