Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai: Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về việc rà soát, chấn chỉnh,xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 19/08/2019, 06:04 [GMT+7]
    Trên cơ sở xác định tầm quan trọng việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Tỉnh Lào Cai giai đoạn hiện nay và trong các năm tiếp theo. Qua một số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý trên phạm vi cả nước đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cho thấy, vẫn có một số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng lợi dụng hoạt động bảo vệ pháp luật, thực hiện công lý để tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng vì mục đích vụ lợi, thể hiện ở các hành vi dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm, bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, làm giảm mức độ sai phạm; cán bộ thanh tra, công an, kiểm sát, thẩm phán… nhận hối lộ, quà biếu để làm trái các quy định của luật pháp, bỏ lọt tội phạm, làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án, “chạy án, chạy tội”; cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ để bỏ qua những lỗi vi phạm của người tham gia giao thông; cảnh sát khu vực nhũng nhiễu, nhận tiền hối lộ để “bảo kê” cho các hoạt động kinh doanh phi pháp...; tổ chức lễ nghi lãng phí, lấy cớ chiêu đãi việc công đưa phong bì, gửi những "tặng phẩm" có giá trị tạo quan hệ với đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra để được bỏ qua những sai phạm...
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trong 1 cuộc làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai (ảnh Đặng Phước)
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trong 1 cuộc làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai (ảnh Đặng Phước)
    Thực hiện nghiêm túc yêu cầu, nhiệm vụ Trung ương giao tại Công văn số 219-CV/BCĐTW ngày 17-6-2019 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng“về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị  có chức năng phòng, chống tham nhũng”. Ngày 20-6-2019 Tỉnh ủy Lào Cai đã  ban hành Văn bản số 3249-TB/TU về Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy giao Ban nội chính Tỉnh ủy tham mưu để Tỉnh ủy chỉ đạo, rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. 
 
    Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 09-8-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng”. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ngay 04 nhóm nội dung cơ bản sau đây:
 
    - Tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kết luận số 21 Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, Quy định số 28-QĐ/TU ngày 26-3-2018 của Tỉnh ủy Lào Cai về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
    - Người đứng đầu tổ chức đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, cơ quan, tổ chức mình; gương mẫu nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; rà soát quy trình giải quyết công việc, nhất là các công việc có liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ công tác, người dân, doanh nghiệp để có cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm hạn chế thấp nhất các sơ hở có thể xảy ra các hành vi tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo giải quyết công việc công khai, minh bạch, đúng quy định; kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng tham nhũng, trì trệ trong công việc; ngăn chặn không để xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu,“vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ, nhất là trong các cơ quan,  đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
 
    - Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức không đủ phẩm chất đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Các cơ quan có chức năng chống tham nhũng tăng cường quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự liêm chính, trong sạch, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và xây dựng các giải pháp phù hợp để ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động phòng chống tham nhũng; tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị, có chức năng phòng, chống tham nhũng, các cá nhân thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nghiêm túc việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản thu nhập, kiểm soát kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định của Đảng về việc“cơ quan đề xuất, đề bạt bổ nhiệm cán bộ phải thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai của cán bộ…”. Lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, nhất là đối với các trưởng đoàn, tổ trưởng (đội trưởng) thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra… thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.
 
    - Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, đặc biệt là các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định (ghi âm, ghi hình) để theo dõi, giám sát hoạt động thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo tính công khai minh bạch, phòng ngừa tham nhũng; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai sâu rộng Quy định số 01-QĐi/BNC ngày 20/02/2019 của Ban Nội chính Tỉnh ủy “về việc mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng”.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu, giao nhiệm vụ cho các tổ chức đơn vị như sau: Các tổ chức đảng, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Chỉ thị; chủ động xây dựng, thực hiện chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời các vi phạm. Các cấp ủy lãnh  đạo, chỉ đạo ủy ban kiểm tra cùng cấp thực hiện có hiệu quả Quy định số 01-Qđi/TW ngày 10/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng”. 
 
    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các cơ quan báo chí của tỉnh tham gia tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện Chỉ thị. Nâng cao trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện giám sát công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. 
 
    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân đối với công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
 
    Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị.  
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện Chỉ thị.
 Phạm Hồng Quân
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai)
.