Bình Thuận: Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động
Thứ Năm, 13/07/2017, 15:50 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bình Thuận đã tổ chức sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa công tác cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp theo chỉ đạo của Trung ương; trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tỉnh, các sở, ngành liên quan, các huyện, thị, thành ủy và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh, huyện nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.
Quang cảnh Hội nghị |
Các ngành, các đơn vị đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ theo chủ trương của ngành, của Tỉnh ủy. Việc sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác, điều động, bổ nhiệm gắn với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng một số cán bộ có chức danh tư pháp, từng bước kiện toàn cơ cấu tổ chức, khắc phục tình trạng thiếu hụt điều tra viên và cán bộ làm công tác bổ trợ tư pháp. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp và các hoạt động tư pháp ở địa phương được tăng cường. Các hoạt động giám định tư pháp, công chứng, chứng thực, tư vấn pháp luật, luật sư…thực hiện đúng quy định.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, cơ quan tư pháp đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh. Công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có chuyển biến tích cực, đã giải quyết đạt 80,34%. Công tác kiểm sát giải quyết tin báo, kiểm sát giải quyết án tăng cả về số lượng, chất lượng và đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, đã giải quyết án đạt 95,91%, tăng 2,78%, 100% vụ án, bị can truy tố đúng thời hạn, đúng tội; giảm 2,62% án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tiến độ xét xử có nhiều cố gắng, đã giải quyết được 64,5% vụ án các loại; công tác thi hành án dân sự ngày càng chặt chẽ, tiến độ thi hành án về việc tăng 10,02% so với cùng kỳ năm 2016. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các ngành nội chính với các cơ quan tố tụng và cấp ủy địa phương ngày càng chặt chẽ, qua đó đã chọn 45 vụ án điểm, xét xử lưu động 43 vụ sơ thẩm và tổ chức xét xử sơ thẩm 21 vụ để rút kinh nghiệm. Công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tư pháp được lãnh đạo các đơn vị quan tâm thực hiện theo quy định, đã giải quyết 637 đơn, đạt 94,23%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao và chưa bám sát yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Một số cán bộ có chức danh tư pháp còn thiếu kinh nghiệm, năng lực, bản lĩnh còn hạn chế. Tỷ lệ án kết thúc điều tra chuyển truy tố chưa cao; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ở một số cơ quan tư pháp cấp huyện vẫn còn thiếu.
Nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu tăng cường giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các Bộ luật mới ban hành và những bức xúc nổi lên ở địa phương, những vấn đề về tội phạm, tệ nạn xã hội để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho công dân. Tập trung hơn nữa công tác cán bộ; chủ động rà soát, điều chỉnh, bố trí, bổ nhiệm các chức danh tư pháp còn thiếu gắn với điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác theo chủ trương của ngành cấp trên. Nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, khám phá giải quyết các vụ án, đặc biệt là trọng án, án tham nhũng, án ma túy và những vụ án được dư luận xã hội quan tâm; thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, phấn đấu và hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm, quan tâm mở rộng việc xét xử lưu động. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó: Tập trung hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự, cơ chế một cửa của ngành, phấn đấu đạt tỷ lệ thi hành án dân sự cả về việc và tiền theo chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự. Tiếp tục duy trì hoạt động giám sát đối với các cơ quan tư pháp và các hoạt động tư pháp, nhất là hiệu quả giám sát đối với các vụ án, vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm. Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí để Tòa án nhân dân tỉnh triển khai, lắp đặt trang thiết bị hệ thống truyền hình trực tuyến các phiên tòa, sớm hỗ trợ kinh phí để Tòa án nhân dân tỉnh xây dựng trang điện tử và hỗ trợ vốn để xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện tốt Đề án số 2246/ĐA-UBND của UBND tỉnh, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2016-2020.
Minh Thu
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận)
;