Ninh Thuận: Kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2016

Thứ Ba, 13/12/2016, 14:33 [GMT+7]
    Bên cạnh việc chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành với hình thức phong phú, sát hợp với từng đối tượng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 11-CT/TU ngày 12-4-2016 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác tổ chức triển khai, quán triệt, thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Phổ biến chuyên sâu các luật, bộ luật liên quan đến hoạt động tư pháp; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
 
    Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác giai đoạn 2016-2021 và bổ sung chương trình công tác năm 2016. Kiện toàn Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh; ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ của thành viên và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo.
 
    Kết quả đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm: Toàn tỉnh đã phát hiện 249 vụ phạm pháp hình sự; đã điều tra, khám phá 225 vụ, đạt 90,4%, trong đó khám phá 100% các vụ trọng án, khám phá 214 vụ thường án, đạt 90%. Ngành Công an tiếp nhận 635 tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 572 tin, đạt 90,1%. Các cơ quan điều tra công an toàn tỉnh đã thụ lý điều tra 436 vụ, 630 bị can; đã giải quyết 374 vụ, 574 bị can (đạt 85,8% số vụ, 91,1% số bị can).
 
    Ngành Kiểm sát thụ lý giải quyết 310 vụ, 540 bị can; trong đó truy tố 283 vụ, 498 bị can; đình chỉ 7 vụ, 17 bị can. 
 
    Toà án nhân dân hai cấp giải quyết về hình sự 455 vụ, 769 bị cáo trong tổng số 456 vụ, 770 bị cáo đã thụ lý (trong đó tạm đình chỉ 1 vụ, 1 bị cáo), đạt 99,9%; giải quyết 659/688 vụ, việc dân sự (tạm đình chỉ 95 vụ, việc), đạt 95,8%, trong đó hòa giải thành 164 vụ, chiếm 24,9% so với số vụ đã giải quyết; giải quyết 1.633/1.669 vụ, việc hôn nhân - gia đình (tạm đình chỉ 13 vụ, việc), đạt 97,8%; giải quyết 60/61 vụ, việc kinh doanh thương mại (tạm đình chỉ 4 vụ, việc), đạt 98,3%; giải quyết 100% án lao động (44 vụ); giải quyết 49/52 vụ, việc hành chính (tạm đình chỉ 2 vụ, việc), đạt 94,2%. Công tác xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong hạn luật định và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
    Về thi hành án hình sự, Tòa án nhân dân hai cấp ra quyết định thi hành án kịp thời, đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào bỏ sót dẫn đến hết hiệu lực thi hành; việc ủy thác thi hành án, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đều thực hiện đúng theo Nghị quyết 02/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong năm, đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 100% trường hợp. 
 
    Về kết quả thi hành án dân sự, trong tổng số 4.901 việc thụ lý (số năm trước chuyển sang 1.263 việc, số thụ lý mới là 3.638 việc; tổng số thụ lý về tiền trên 361,5 tỷ đồng), đã thi hành xong 3.381 việc có điều kiện, đạt 79,7% (vượt 6,7% so với chỉ tiêu được giao); trong số tiền có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong trên 66,3 tỷ đồng, đạt 38,6% (vượt 4,6% so với chỉ tiêu được giao).
 
    Công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài.
 
    Sau bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, phiên họp đầu tiên đã bầu 30 Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, 141 Hội thẩm Tòa án nhân dân các huyện, thành phố. Các Hội thẩm nhân dân đã được tập huấn nghiệp vụ năm 2016. 100% Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn đã được kiện toàn. Đã củng cố, kiện toàn 402 Tổ hòa giải với 2.708 hòa giải viên; các tổ hòa giải và hòa giải viên hoạt động khá nền nếp, hiệu quả, nhất là ở cơ sở. Ngoài ra, còn xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức khác như: Tổ nhân dân tự quản; câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; câu lạc bộ trợ giúp pháp lý...
 
    HĐND các cấp đã tiến hành thẩm tra, giám sát các hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự các cấp; giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, quản lý, giam giữ, cải tạo, thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù giam; giám sát công tác công chứng, chứng thực và hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
 
    Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, thông qua giao ban công tác nội chính hoặc đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, sự phối hợp hoạt động của ngành Tư pháp và những vấn đề cần quan tâm để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo tập trung thống nhất, chặt chẽ, toàn diện các loại vụ án theo Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị.
Hà Thanh Long
(Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Thuận)
;
.