Quảng Bình: Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016

Thứ Tư, 09/03/2016, 14:05 [GMT+7]
    Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chủ trì. 
 
    Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó trưởng Ban, thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.
 
    Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Bình vừa được kiện toàn sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, hiện có 16 thành viên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban.
 
    Thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012 - 2016 và chương trình, kế hoạch công tác năm 2015, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các cấp đã tham mưu Ban Thường vụ cấp ủy ban hành Kế hoạch số 106-KH/TU và Báo cáo tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011 - 2015 đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Kế hoạch số 45-KH/BCĐCCTPTW ngày 18/3/2015 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; tiến hành kiện toàn Ban Chỉ đạo sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.
 
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh
phát biểu kết luận Hội nghị
    Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tư pháp, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách tư pháp. Chất lượng hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được nâng lên; một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động tư pháp đã từng bước được khắc phục. Tỷ lệ án đã giải quyết trên tổng số án đã thụ lý tăng, hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định; chất lượng giải quyết cao hơn năm trước. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết các vụ án được duy trì có nền nếp và ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là việc giải quyết các vụ án trọng điểm. Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp đã được các cơ quan tư pháp tập trung giải quyết, số lượng đơn thư của công dân phản ánh đến cấp ủy trong năm giảm đáng kể. Các hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều tiến bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp được chú trọng, nên chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp tiếp tục được nâng lên. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2015 còn một số tồn tại, hạn chế, như: còn có vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại, án hình sự bị hủy, sửa. Công tác phát hiện các vụ án vụ việc trong lĩnh vực kinh tế còn yếu. Một số vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng đã lâu nhưng chưa được thi hành xong. Chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp chưa thật rõ nét. Chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế; chất lượng hội thẩm nhân dân có mặt chưa đồng đều. Trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chủ tọa phiên tòa còn hạn chế.
 
    Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh yêu cầu trong năm 2016, các cơ quan tư pháp cần tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhất là những nội dung về cải cách tư pháp, phòng chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các bộ luật, luật quan trọng liên quan trực tiếp đến hoạt động tố tụng vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực trong năm 2016. Xây dựng Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2020 và hướng dẫn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp huyện tham mưu cấp ủy cùng cấp triển khai thực hiện. Tập trung khắc phục các thiếu sót, khuyết điểm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử; giải quyết kịp thời, nghiêm minh các loại án, nhất là các vụ án trọng điểm, án tham nhũng, án kinh tế và các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tuyệt đối không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với cấp ủy các cơ quan tư pháp theo Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị; rà soát, đề xuất Danh mục những vụ việc, vụ án đưa vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Làm tốt công tác bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trên cơ sở Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành, các cơ quan tư pháp cần nghiên cứu để ban hành Quy định về cam kết trách nhiệm của trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, cán bộ giữ chức danh tư pháp với tập thể lãnh đạo cơ quan tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhằm tạo sự thống nhất và chuyển biến đồng bộ trong toàn các cơ quan tư pháp. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân cho cán bộ tư pháp các cấp, nhất là cán bộ giữ chức danh tư pháp; xác định rõ trách nhiệm cá nhân của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, có biện pháp xử lý đối với lỗi chủ quan của cán bộ liên quan trong các trường hợp vụ án bị hủy, sửa, trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm sát đảm bảo mọi hoạt động tư pháp thực hiện khách quan, đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và người dân. 
Đoàn Thị Thanh Hoan
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)
;
.