Chủ nhật, 24/11/2024, 3:10 [GMT + 7]
.
.

Thành phố Hà Nội: Tổng kết thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003

Thứ Tư, 04/09/2013, 11:32 [GMT+7]

Ngày 30-8-2013, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Tham dự hội nghị có các vị Đại biểu Quốc hội; đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố.

Theo đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, qua 10 năm thực hiện Luật, vị trí, vai trò của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội không ngừng được nâng cao, hoạt động giám sát ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả. Phương thức tổ chức các cuộc giám sát có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu; nội dung giám sát vừa gắn với hoạt động vĩ mô vừa gắn với những vấn đề dân sinh bức xúc. Trong 10 năm, 87 cuộc giám sát mà Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, hầu hết nội dung lựa chọn đều phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố và những kiến nghị của cử tri. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội có 30 đại biểu, đa số các đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tham gia các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với ý thức, trách nhiệm cao. Qua theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tham gia tích cực và có trách nhiệm chất vấn các thành viên của Chính phủ những nội dung liên quan đến kiến nghị của Thủ đô.

Tuy nhiên, trong thời gian này, chất lượng một số cuộc giám sát chưa được như mong muốn; nhiều kiến nghị sau giám sát chưa thực sự được tập trung xem xét, giải quyết nghiêm túc; việc tổ chức tái giám sát chưa nhiều, chưa thực sự quyết liệt; hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội ít được phát huy…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu một số ý kiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giám sát. Một số kiến nghị cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội phải gắn với việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể giám sát và đối tượng bị giám sát. Đề nghị bổ sung các quy định về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan, ban ngành ở địa phương. Bổ sung quy định Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức các hoạt động của đại biểu Quốc hội theo quy định; đồng thời, tổng hợp, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Đề nghị quy định rõ hơn quy trình, phương thức giám sát…

Các đại biểu đề nghị nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách; bổ sung các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và hoàn thiện thiết chế bắt buộc để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định; sửa đổi, bổ sung cơ chế mời chuyên gia tham gia hoạt động giám sát theo hướng rõ trách nhiệm và nâng mức chi kinh phí; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình Văn phòng phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành nhằm tăng cường nguồn lực để tham mưu, phục vụ tốt hơn. Về việc thực hiện các kết luận sau giám sát và chế tài giám sát, đề nghị làm rõ hơn cơ chế, chế tài bảo đảm thực hiện việc xem xét trách nhiệm của người bị chất vấn khi cá nhân đại biểu Quốc hội hoặc một số ít đại biểu Quốc hội không đồng ý với trả lời của người bị chất vấn…

                                                                                           Vũ Huệ

;
.