Quảng Ninh: Tổng kết việc thi hành Luật tổ chức và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội

Chủ Nhật, 01/09/2013, 07:20 [GMT+7]

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Như Hiền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Theo đánh giá chung của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Luật tổ chức Quốc hội và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội đã giữ vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo hành lang pháp lý quan trọng để Quốc hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Đồng thời đã góp phần thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng về hoạt động giám sát của Quốc hội; góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa về thẩm quyền, trách nhiệm, đảm bảo nguyên tắc công khai, khách quan của hoạt động giám sát…

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Về công tác thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2007), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều cố gắng để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Công tác tiếp xúc cử tri được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung và ngày càng đi vào nề nếp. Đối với công tác tham gia xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đóng góp hàng trăm ý kiến quan trọng. Trong quá trình thực hiện Luật, vị trí, vai trò của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội không ngừng được nâng cao, hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả.

Qua hơn 10 năm thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành 72 cuộc giám sát. Hàng tháng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bố trí 01 buổi tiếp công dân định kỳ và thường xuyên tổ chức tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại của công dân; giám sát các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND tỉnh. Quá trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội luôn đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị cho rằng trong quá trình thi hành, Luật tổ chức Quốc hội và Luật hoạt động giám sát Quốc hội còn có những hạn chế, bất cập như: thiếu tính đồng bộ; các quy định về địa vị pháp lý của đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ phận giúp việc còn chưa cụ thể, thống nhất; quy định về số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách còn chưa hợp lý…

Tại Hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu các sở, ban, ngành liên quan đã có một số kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành đồng bộ việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Luật tổ chức Quốc hội; hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể giám sát và đối tượng bị giám sát; bổ sung các quy định về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; tăng số lượng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách; nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; quan tâm hoạt động giám sát chuyên đề...

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã bày tỏ sự cảm ơn và đồng tình với những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu tại hội nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp chính sửa hoàn thiện các ý kiến để báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

                                                                                              Ngọc Hiên

;
.