Hòa Bình: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội

Thứ Ba, 27/08/2013, 14:07 [GMT+7]

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (2003-2013). Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị. Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tham dự Hội nghị.

Báo cáo của Đoàn ĐBQH của tỉnh cho biết, từ khi có Luật hoạt động giám sát của Quốc hội là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH thực hiện quyền giám sát tối cao của mình. Theo đó, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới và ngày càng đạt hiệu quả cao.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Mười năm qua, hoạt động giám sát của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên được đổi mới, cải tiến và quan tâm. Hàng năm, Đoàn đã chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch và triển khai các cuộc giám sát đảm bảo đúng thời gian theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xuất phát từ tình hình địa phương và dư luận xã hội, Đoàn đã lựa chọn những nội dung đang là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm để tiến hành giám sát. Từ tháng 1-2004 đến ngày 31-7-2013 Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành 61 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và những vấn đề cử tri quan tâm. Quá trình giám sát luôn đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Phương thức làm việc dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, tích cực thu thập các nguồn thông tin nhiều chiều đã đem lại hiệu quả cao.

Hội nghị đã thống nhất kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong hoạt động giám sát của Quốc hội, đó là: cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát cho Đoàn ĐBQH, ĐBQH; các biện pháp chế tài và xem xét trách nhiệm chính trị đối với người đứng đầu đã kết luận thực thi sai chủ trương, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong giải quyết đơn thư khiếu nại - tố cáo đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại - tố cáo và chịu sự giám sát chậm thực hiện; cơ chế hỗ trợ về chuyên môn, tham vấn chuyên gia trong giám sát; Quốc hội sớm ban hành Luật giám sát của HĐND để công tác giám sát của HĐND đạt kết quả, khắc phuc đươc những bất cập hiện nay. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội với HĐND, Đoàn ĐBQH để góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của pháp luật và khắc phục tình trạng chồng chéo trong giám sát. Tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng, cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện và có chế độ, chính sách để nâng cao kỹ năng và hiệu quả giám sát.

                                                                      Thảo Quyên

                                                             (Đài PT - TH tỉnh Hòa Bình)

;
.