Khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Ba, 11/02/2020, 13:32 [GMT+7]
    Sáng 10/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 42.
 
    Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Tết Nguyên đán Canh Tý; đồng thời nêu rõ: Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại, là năm tất cả các cấp, ngành, trong đó có Quốc hội triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ngay từ đầu năm, cả nước phải đối mặt với tình hình khó khăn là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, với mức độ diễn biến hết sức phức tạp. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong những ngày qua, Chính phủ đã khẩn trương, chủ động, vừa chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội, vừa quyết liệt kiểm soát dịch bệnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn theo dõi và đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, cũng như các biện pháp kịp thời, chủ động của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, địa phương cả nước. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến các dịch bệnh (trong đó có dịch cúm A-H5N1) và tìm biện pháp xử lý hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp
    Về chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; cho ý kiến về việc ban hành nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước I-xtan-bun. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Năm Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á 2020 (AIPA); xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại sáu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhấn mạnh năm 2020 cùng với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đầy đủ, nổi bật vai trò Việt Nam là nước chủ nhà của AIPA năm 2020…
 
    Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau hơn sáu năm triển khai thi hành luật, bên cạnh những kết quả đạt được, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp tình hình thực tiễn.
 
    Các đại biểu tham gia thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết, cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; việc bổ sung các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa thuộc 10 lĩnh vực. Nêu thí dụ điển hình trong việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đại biểu cho rằng, những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến cần có những quy định tăng mức phạt để đủ sức răn đe, cụ thể như các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân, bạo lực gia đình; trong khai thác cát, đá, sỏi và an toàn vệ sinh thực phẩm được nhiều cử tri quan tâm.
 
    Ðáng chú ý, dự thảo Luật lần này bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới, như ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Với nội dung này, nhiều đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá thật cẩn trọng, có đánh giá tác động cụ thể. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong báo cáo đánh giá tác động chưa đánh giá tác động của việc bổ sung các biện pháp cưỡng chế được nêu trong dự thảo Luật. Bởi vì, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng; vì thế đề nghị bổ sung quy định "ngừng cung cấp điện, nước" là một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, không phải là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng biện pháp này không làm ảnh hưởng sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức khác.
 
    Một số ý kiến khác lại cho rằng, "ngừng cung cấp điện, nước" là một biện pháp cưỡng chế hiệu quả; đối với những trường hợp này, Ban soạn thảo cần quy định rõ các trường hợp áp dụng bảo đảm tính hợp lý. Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính là luật quan trọng được áp dụng nhiều trong thực tiễn; việc sửa luật cần bảo đảm tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bên cạnh đó phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp; việc tăng mức phạt tiền tối đa và bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực là phù hợp, tuy nhiên cần làm rõ căn cứ thực tiễn thể hiện rõ đó là những lĩnh vực thật sự cần thiết, cấp bách để áp dụng những quy định này. Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định tăng mức chế tài với nhiều hành vi vi phạm hành chính, nhưng cũng cần nêu các quy định giám sát, kiểm soát đội ngũ thực thi công vụ để chống tiêu cực, phòng ngừa lạm quyền…
 
    Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan, cơ quan hữu quan hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ chín sắp tới.
                                                                                            Vũ Khuyên
.