Lấy ý kiến việc thực hiện cải cách tư pháp đến năm 2020 khu vực phía Bắc
Ngày 7-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Thường trực Lê Thị Thu Ba; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng tham dự.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết nêu lên các vấn đề, kiểm điểm đánh giá, tình hình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp nêu tại Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Quang cảnh Hội nghị |
Qua đó, đánh giá kết quả và hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những yêu cầu cơ bản về việc hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới; kiến nghị hoàn thiện mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ và trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược cải cách tư pháp.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung cơ bản để làm rõ thêm các vấn đề lớn mà dự thảo Báo cáo tổng kết đề cập. Các đại biểu nhất trí với mục tiêu tiếp tục quán triệt thực hiện mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết 49- NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Lê Thị Thu Ba, dự thảo báo cáo đã phản ánh đầy đủ kết quả tổng kết toàn diện chiến lược cải cách tư pháp đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết quả qua 8 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, khẳng định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp được Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới và thực tiễn của nước ta.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ tư pháp còn thiếu đồng bộ; hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp hoàn thiện chậm; công tác giám sát của cơ quan dân cử còn chưa được thường xuyên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội nghị cần thảo luận làm rõ hơn nội dung, chủ trương của chiến lược cải cách tư pháp, nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn nữa việc tổ chức lại Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối.
Trong thời gian tới, Bộ Chính trị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tổ chức có liên quan nghiên cứu các vấn đề lý luận, tổng kết thực tiễn về những vấn đề mới như quyền tư pháp, phân công, phối hợp, kiểm soát các hoạt động tư pháp, chuẩn bị nội dung các vấn đề có liên quan đến việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và cải cách tư pháp giai đoạn ( 2016 - 2021), đẩy mạnh thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, quyền con người, phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc XHCN.
Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo, cải cách tư pháp với mục tiêu chính là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, văn minh, phục vụ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, những vấn đề làm được, chưa làm được để có lộ trình công tác tư pháp trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Đăng Linh