Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp

Thứ Ba, 10/12/2013, 14:15 [GMT+7]

Ngày 09-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị khu vực các tỉnh phía Nam lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND,  cơ quan tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, công an, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc quán triệt, triển khai chiến lược này được các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm; kết quả thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp đã tạo điều kiện thúc đẩy quá trình cải thiện và hoàn thiện nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng nền tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Dự thảo cũng nhìn nhận một số mặt hạn chế trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, đó là việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp thiếu đồng bộ, không đảm bảo tính hệ thống, chưa đúng lộ trình đề ra; hệ thống pháp luật và tổ chức hoạt động của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra chậm đổi mới.
Tuy kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu nhưng hoạt động tư pháp đã được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật về tư pháp được hoàn thiện hơn. Hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều tiến bộ. Các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, các chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn ngày càng hoàn thiện và phát triển lành mạnh hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, thời gian qua, chúng ta đã đạt những thành tựu quan trọng về đời sống xã hội, chính trị và pháp lý. Bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề đặt ra cần được tiếp tục đánh giá và cải cách trong thời gian tới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng Dự thảo Báo cáo tổng kết nhằm làm rõ các vấn đề, đồng thời đánh giá kết quả thực hiện, nêu ra những hạn chế, bài học kinh nghiệm, qua đó đẩy mạnh công tác thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp thời gian tới.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì thời gian qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác tư pháp cũng như các cơ quan tư pháp đã tăng lên rõ rệt, đồng thuận việc cần thiết phải tiến hành cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, thời gian tới, ngành tư pháp cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém. Cần quán triệt sâu sắc mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sụ Tổ quốc.
Chủ tịch nước cho biết, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan có liên quan nghiên cứu các vấn đề lý luận; tổng kết thực tiễn những vấn đề mới như quyền tư pháp, phân công, phối hợp, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa; chuẩn bị nội dung các vấn đề có liên quan đến việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và cải cách tư pháp giai đoạn 2016 – 2021, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xem xét, thông qua, tạo cơ sở thuân lợi để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XII lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc cải cách tư pháp.                                                    

Tiến Dũng
                                                                 (Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
.