Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 12

Thứ Năm, 05/12/2013, 18:43 [GMT+7]

Sáng 05-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 12, cho ý kiến về Đề án tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối sau năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Tham dự Phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba; Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo Trương Hoà Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cáo Nguyễn Hoà Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh Phiên họp

Trong những năm qua, hoạt động của các cơ điều tra đã có nhiều thành tựu trong đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, góp phần quan trọng bảo ,vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Trên cơ sở đánh giá lại kết quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm thời gian qua và ý kiến của đại diện các bộ, ngành, việc tổ chức nghiên cứu Đề án tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối sau năm 2015, đặt trong tiến trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những vướng mắc và hoàn thiện hơn trong công tác điều tra, tố tụng và thi hành án, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tố tụng, tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động điều tra cũng bộc lộ một số thiếu sót, bất cập, chất lượng, quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và một số chủ thể trong hoạt động điều tra còn vướng mắc, công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm có nơi, có lúc chưa được chủ động… tiến độ điều tra một số vụ án hình sự chưa bảo đảm, ở một số lĩnh vực xảy ra tội phạm nhưng tỷ lệ phát hiện, khởi tố, điều tra chưa cao…
Từ đó, việc  nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra cần phải tính toán nhiều mặt, căn cứ vào quy định của pháp luật, nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước và tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan điều tra, bảo đảm đến năm 2015 đạt được các mục tiêu đề ra của Đề án.
Theo Bộ Công an, Đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan điều tra nhằm tạo lập một cơ chế pháp lý hiện hữu, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân, bảo đảm an toàn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tổ chức lại cơ quan điều tra phải gắn với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ quyền con người của công dân, gắn liền với bảo vệ pháp quyền nhà nước XHCN. Do đó, việc tập trung củng cố, tổ chức lại cơ quan điều tra là rất quan trọng, không để xảy ra oan sai và không bỏ lọt tội phạm.
Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, Đảng ủy Công an Trung ương cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến thảo luận nhằm hoàn thiện Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, việc tổ chức lại cơ quan điều tra phải khắc phục được cơ bản những yếu kém, hạn chế hiện nay của cơ quan điều tra. Qua đó, Chủ tịch nước gợi mở những nội dung còn ý kiến khác nhau để các thành viên tập trung thảo luận như mô hình tổ chức, bộ máy, phương thức hoạt động nhằm tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan này.

Đăng Linh

;
.