Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-01-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại - tố cáo
Ngày 18-11-2013, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-01-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại - tố cáo.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Phan Đình Trạc (Ủy viên Trung ương Đảng); Nguyễn Doãn Khánh (Ủy viên Trung ương Đảng); Phạm Anh Tuấn; Lê Minh Trí và cán bộ lãnh đạo cấp vụ Ban Nội chính Trung ương.
Đại biểu đại diện các Ban đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; 63 đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, thành ủy; 126 đồng chí Trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy và Chánh Thanh tra các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương đã ban hành Kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW về giải quyết khiếu nại - tố cáo và thành lập 4 Đoàn kiểm tra tại các địa phương: Yên Bái, Ninh Thuận, Nam Định và Bến Tre. Mục đích của Hội nghị này nhằm tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-01-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại - tố cáo; Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo theo nội dung Thông báo số 130-TB/TW trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị |
Theo Báo cáo tại Hội nghị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo đã có sự chuyến biến tích cực và đạt được một số kết quả là: (1) Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, đảng viên về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo được nâng lên rõ rệt. Phần lớn các cấp ủy, tô chức đảng đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. (2) Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã tập trung giải quyết được khối lượng lớn các vụ việc khiếu nại - tố cáo thuộc thẩm quyền, trong đó có những vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người tham gia. (3) Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo của công dân được tăng cường. (4) Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến khiếu nại - tố cáo và giải quyết khiếu nại - tố cáo đạt được nhiều kết quả. (5) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở được đẩy mạnh và có hiệu quả. (6) Đổi mới công tác tiếp dân và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại - tố cáo.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm như: Một số cấp uỷ, tổ chức đảng đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Thông báo số 130-TB/TW, nhưng nội dung còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương; việc giải quyết khiếu nại - tố cáo nhìn chung còn chậm; chất lượng, hiệu quả chưa cao; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại - tố cáo chưa được coi trọng đúng mức; việc thực hiện sửa đổi, bổ sung pháp luật hoàn thiện thể chế, cơ chế, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước còn rất chậm; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Ở một số nơi, việc tiếp công dân còn mang tính hình thức, thiếu tính thuyết phục, chưa kết hợp tốt giữa tiếp công dân với giải quyết khiếu nại - tố cáo.
Nguyên nhân hạn chế, Báo cáo nêu rõ: Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, hạn chế phát sinh khiếu nại - tố cáo mới, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại - tố cáo; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện Thông báo số 130-TB/TW có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ; việc thể chế hoá các quan điểm của Đảng về chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm; một số văn bản quy phạm pháp luật về nội dung khiếu nại - tố cáo còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội.
Các ý kiến tham luận, thảo luận tại Hội nghị tập trung làm rõ kết quả đạt được trong công tác khiếu nại - tố cáo, nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp; những kinh nghiệm trong việc giải quyết khiếu nại - tố cáo của bộ ngành, địa phương. Các ý kiến nêu các giải pháp để làm tốt công tác tiếp dân, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại - tố cáo; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giảm thiểu khiếu nại - tố cáo; tăng cường quản nhà nước về đất đai... Các ý kiến phát biểu cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo trong tình hình hiện nay; đề nghị Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nói chung, chỉ đạo nghiên cứu mô hình tổ chức, bộ máy chuyên trách tư vấn tham mưu về giải quyết khiếu nại - tố cáo đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách giải quyết khiếu nại - tố cáo…
Các Đại biểu dự Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, vừa qua, cả Trung ương và các địa phương đã có nhiều cố gắng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, công tác khiếu nại - tố cáo đã đạt được một số kết quả bước đầu. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào Thường vụ, Thường trực tỉnh ủy quan tâm tập trung lãnh đạo thì ở đó, tình hình chính trị - xã hội được ổn định. Ngược lại, những địa phương, công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo ít được quan tâm, công tác chỉ đạo sơ sài; phó thác cho cơ quan Thanh tra, Văn phòng Tỉnh ủy hoặc Tài nguyên - Môi trường… thì ở đó, tình trạng khiếu nại - tố cáo kéo dài.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu: (1) Cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường sự lãnh đạo của đối với công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo của công dân. Ở địa phương, đề nghị đồng chí Bí thư tỉnh, thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan ở Trung ương cần trực tiếp giải quyết khiếu nại - tố cáo. (2) Xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm gây nên khiếu nại - tố cáo, thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo, đồng thời cũng xử lý cả đối tượng lợi dụng khiếu nại - tố cáo để gây rối, không chấp hành chính sách pháp luật. (3) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng, chính quyền đối với việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo, gắn tiếp công dân với giải quyết khiếu nại - tố cáo. (4) Hạn chế sự thay đổi chính sách về đất đai; kịp thời bổ sung, sửa đổi, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý, đồng bộ cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, của cán bộ, công chức trong giải quyết khiếu nại - tố cáo. (5) Các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại với người dân trong giải quyết khiếu nại - tố cáo. (6) Lựa chọn và bố trí cán bộ có năng lực, trình độ đảm nhận công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại - tố cáo. (7) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật khiếu nại và Luật tố cáo nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật cho nhân dân. (8) Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và và thông suốt thông tin về lĩnh vực này. (9) Tăng cường giám sát thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực được phát hiện thông qua khiếu nại - tố cáo của người dân.
P.V