Banner

Síp có thể trở thành quốc gia kiểu mẫu về chống tham nhũng

Thứ Tư, 18/09/2024, 07:12 [GMT+7]
    Đó là tuyên bố của Tổng thống Síp Nikos Christodoulides, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Một gói ngân sách được lên kế hoạch sẽ hướng tới việc đổi mới hình ảnh của đảo quốc này ở nước ngoài.
 
    Tại Hội nghị với chủ đề "Tham nhũng, rào cản chính đối với hoạt động chính trị của giới trẻ", diễn ra tại dinh thự Tổng thống hôm 15/9, ông Nikos Christodoulides cho biết, Cộng hòa Síp "có thể trở thành một quốc gia kiểu mẫu trong việc chống tham nhũng”.
 
Tổng thống Nikos Christodoulides phát biểu tại hội nghị với chủ đề
Tổng thống Nikos Christodoulides phát biểu tại hội nghị với chủ đề "Tham nhũng, rào cản chính đối với hoạt động chính trị của giới trẻ", ngày 15/9/2024. Ảnh: Syprus Mail
    Ông nhấn mạnh, tham nhũng và giá điện là hai vấn đề nghiêm trọng nhất mà Chính phủ phải giải quyết. Trong đó, “tham nhũng là căn bệnh ung thư thảm khốc của xã hội”.
 
    Tuyên bố của nhà lãnh đạo Cộng hòa Síp được đưa ra trong bối cảnh gần đây có thông báo về hai cuộc điều tra tham nhũng lớn của Liên minh châu Âu (EU) đối với Síp.
 
    Vụ đầu tiên liên quan đến kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng Vasiliko.
 
    Vụ thứ hai liên quan đến Bộ Thủy sản trong cuộc đấu thầu mà cơ quan kiểm toán đã đặt ra nghi vấn về khả năng lạm dụng quyền lực.
 
    Tổng thống Christodoulides nói với những người tham dự rằng, lần đầu tiên có một sự chuẩn bị với “số tiền đáng kể” từ ngân sách nhà nước để bắt đầu nỗ lực đổi mới hình ảnh của Síp.
 
    Ông bày tỏ sự chắc chắn về quan điểm Síp có thể trở thành hình mẫu trong chống tham nhũng, đồng thời cho biết, đây là lý do ông mời một nhóm quan chức của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đến Síp để hỗ trợ các cuộc điều tra liên quan đến tham nhũng.
 
    Tổng thống Síp giải thích, ông đã được báo cáo rằng, nếu các vụ án được điều tra nhanh hơn thì đội ngũ chuyên gia cần được bổ sung, tăng từ con số 5 người lên 25 đến 30 người.
 
    Thực hiện lộ trình tiến hành các thủ tục tuyển dụng, bổ sung, đồng nghĩa với việc những người mới sẽ có thể bắt đầu làm việc vào năm 2027.
 
    Chờ đợi lâu như vậy “không phải là một lựa chọn đối với chúng ta, vì việc chống lại hiện tượng này [tham nhũng] là ưu tiên hàng đầu”, theo nhà lãnh đạo Cộng hòa Síp.
 
    Tổng thống nói thêm, ông hài lòng với sự hỗ trợ của Mỹ về vấn đề này. “Tôi rất vui vì họ đã ở đây, tôi rất vui vì họ đang đóng góp vào nỗ lực của cơ quan điều tra của chúng ta và nhìn chung [việc chống tham nhũng] đã có tiến bộ”.
 
    Cũng theo ông Christodoulides, không chỉ là giải quyết và đấu tranh chống tham nhũng, các động thái còn thể hiện sự không khoan nhượng và duy trì tính minh bạch. “Đó là thách thức lớn”.
 
    Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc người dân phải tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định.
 
    Hồi tháng 7, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo rằng Síp có số lượng bản án “hạn chế” liên quan đến các vụ tham nhũng.
 
    EC xác định “những thách thức nghiêm trọng” vẫn tồn tại liên quan đến thực thi công lý.
 
    Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng từng nhận định Síp là một trong nhiều quốc gia EU không thể điều tra và truy tố hiệu quả các vụ án tham nhũng. Hệ thống tư pháp phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài. Và, việc vận hành đầy đủ cơ quan chống tham nhũng vẫn còn là một thách thức.
 
    Trong suốt một thập kỷ (2012-2022), vấn nạn tham nhũng ở Cộng hòa Síp được đánh giá là có chiều hướng gia tăng, làm cản trở tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
 
    Ông Nikos Christodoulides - Tổng thống thứ tám của Cộng hòa Síp chính thức đảm nhận vị ngày 1/3 năm ngoái, đã cam kết cải thiện cuộc sống của người dân, giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp và đặc biệt là chống tham nhũng.
Theo thanhtra.com.vn
.
.