Banner

Cơ quan chống tham nhũng Bangladesh điều tra 41 cựu bộ trưởng, nghị sĩ

Chủ Nhật, 01/09/2024, 06:29 [GMT+7]
    Ủy ban Chống tham nhũng Bangladesh đã quyết định bắt đầu điều tra các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ đối với 41 người từng là bộ trưởng, nhà lập pháp của Đảng Awami League từ năm 2009 đến 2024.
 
    Quyết định điều tra được đưa ra ngày 19/8, sau khi Ủy ban Chống tham nhũng Bangladesh tiến hành cuộc họp với đầy đủ các thành viên.
 
    Lãnh đạo Ủy ban cho biết, 3 nhóm điều tra riêng biệt đã được thành lập để thực hiện cuộc điều tra.
 
Trụ sở Ủy ban Chống tham nhũng Bangladesh. Ảnh: thedailystar
Trụ sở Ủy ban Chống tham nhũng Bangladesh. Ảnh: thedailystar
    Trước đó, ngày 18/8, luật sư Tòa án Tối cao M Sarwar Hossain đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Chống tham nhũng để yêu cầu điều tra các cáo buộc tích lũy tài sản bất hợp pháp của 41 cựu quan chức.
 
    Ông Sarwar Hossain cho biết, đơn khiếu nại dựa trên bài viết trên Báo Samakal (nhật báo bằng tiếng Bengali được xuất bản ở Dhaka, Bangladesh), trích dẫn nghiên cứu do Tổ chức Minh bạch Quốc tế Bangladesh thực hiện.
 
    Cùng với đơn khiếu nại, luật sư Sarwar đã đính kèm tài liệu cho thấy sự giàu có của các cựu quan chức tăng lên như thế nào qua các năm.
“Việc gia tăng tài sản như vậy là không thể, nếu không có tham nhũng”, đơn khiếu nại viết.
 
Trao đổi với các phóng viên ngày 18/8, Thư ký Ủy ban Chống tham nhũng Khurshida Yasmin cho biết: "Nếu khiếu nại chống lại 41 cựu quan chức được gửi tới Ủy ban, chúng tôi sẽ xem xét theo đúng quy định. Đây là công việc thường lệ của Ủy ban".
 
    Luật sư Sarwar nói với tờ The Daily Star: "Tôi hài lòng với hành động nhanh chóng mà Ủy ban Chống tham nhũng đã thực hiện chỉ một ngày sau khi tôi nộp đơn khiếu nại...".
 
    Trong khi, theo Giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế Bangladesh Iftekharuzzaman, động thái của Ủy ban Chống tham nhũng là đáng hoan nghênh, "nhưng đây sẽ vẫn là một ví dụ khác cho thấy Ủy ban có xu hướng hành động chống lại cái gọi là cá lớn chỉ khi họ đã không còn nắm giữ quyền lực".
 
    Trong danh sách 41 cựu quan chức bị điều tra có cựu Ngoại trưởng Hasan Mahmud; cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mohibul Hasan Choudhoury; cựu Bộ trưởng Lương thực Sadhan Chandra Majumder; cựu Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Dipu Moni (người từng là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Giáo dục trong các nhiệm kỳ trước); cựu Bộ trưởng Chính quyền địa phương Tazul Islam; cựu Bộ trưởng Tôn giáo Faridul Haque Khan; cựu Bộ trưởng Vận tải biển Khalid Mahmud Chowdhury...
Theo thanhtra.com.vn
.
.