OECD đánh giá Peru có nhiều nỗ lực chống tham nhũng trong nước
Chủ Nhật, 11/07/2021, 06:02 [GMT+7]
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Peru cần tiếp tục những nỗ lực này, nâng cao nhận thức của công dân về tham nhũng và thực thi chống hối lộ ở nước ngoài.
Báo cáo mới của nhóm công tác về chống hối lộ của OECD vừa công bố đã ghi nhận những tiến bộ trong chống tham nhũng của Peru. Nhóm công tác gồm 44 quốc gia vừa hoàn thành đánh giá giai đoạn 2 về việc thực thi Công ước Chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế của Peru và các công cụ chống tham nhũng, hối lộ liên quan.
OECD đánh giá Peru đã tăng cường nỗ lực chống tham nhũng |
Theo OECD, nhóm công tác đánh giá cao việc Peru đặt ra tầm quan trọng của việc chống tham nhũng trong nước. Tuy nhiên, các bên liên quan của Peru nhìn chung không hiểu biết về tội hối lộ ở nước ngoài và Công ước Chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế, mặc dù nhiều công ty Peru đang hoạt động trên phạm vi quốc tế và có nguy cơ hối lộ các quan chức nước ngoài.
Do đó, Peru phải khẩn trương nâng cao nhận thức về tội phạm này, bao gồm cả cho cơ quan tư pháp, thực thi pháp luật, các cơ quan Chính phủ có liên quan và khu vực tư nhân. Nhận thức rõ hơn sẽ là điều cần thiết để tăng cường thực thi Luật Chống hối lộ ở nước ngoài của Peru.
Nhóm công tác đã đưa ra các khuyến nghị khác để cải thiện cuộc đấu tranh chống hối lộ ở nước ngoài của Peru, bao gồm:Bảo vệ các công tố viên trong việc bị loại bỏ không hợp lý khỏi các vụ án;Giảm số lượng thẩm phán, công tố viên tạm thời và bổ sung;Bảo vệ người tố cáo trong khu vực công và tư nhân, thúc đẩy văn hóa tố giác;Tăng cường phối hợp và giám sát các yêu cầu tương trợ tư pháp với các nước.
Báo cáo cũng nêu bật những khía cạnh tích cực trong nỗ lực chống hối lộ ở nước ngoài của Peru. Trong đó, Đội Đặc nhiệm Lava Jato đã bắt đầu truy tố nhiều chính trị gia và quan chức Peru ở các cấp cao nhất. Kết luận thành công các trường hợp này sẽ đòi hỏi Peru phải duy trì nguồn lực và sự hỗ trợ cho Đội đặc nhiệm.
Bên cạnh đó, những cải cách gần đây của quy trình bổ nhiệm, kỷ luật và cách chức thẩm phán, công tố viên là đáng khích lệ, mặc dù tác động của những nỗ lực này sẽ chỉ được cảm nhận trong những năm tới.
Peru cũng cam kết cải thiện việc thu thập thống kê của mình trong việc hỗ trợ pháp lý lẫn nhau và thực thi chống rửa tiền. Các nhà lập pháp đã cam kết thúc đẩy những cải cách nhằm giải quyết các mối quan tâm của Nhóm công tác.
Nhóm công tác về chống hối lộ của OECD đã thông qua báo cáo, bao gồm các khuyến nghị được đưa ra cho Peru. Theo các thủ tục tiêu chuẩn, Peru sẽ báo cáo trực tiếp cho nhóm công tác vào tháng 6/2022 về các bước đã làm để thực hiện các khuyến nghị chính và bằng văn bản vào tháng 6/2023 về việc thực hiện tất cả các khuyến nghị. Báo cáo bằng văn bản này sẽ được công bố rộng rãi.
Đức Anh
(Báo Thanh tra)