Nâng cao bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp

Thứ Ba, 04/07/2023, 14:41 [GMT+7]
    Sáng 04/7/2023, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu so sánh pháp luật về bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” trong khuôn khổ dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam" (EU JULE) do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái Đoàn EU tại Việt Nam và Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
 
    Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu đại diện: Văn phòng Trung ương Đảng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kiểm sát, Viện Nghiên cứu lập pháp, Hội Luật gia Việt Nam…; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đại diện lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, vấn đề liêm chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và được coi là những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tạo điều kiện cho người dân và cả xã hội tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước; thông qua việc công khai, minh bạch và giải trình về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, người dân và xã hội chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời đòi hỏi cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước phải có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao. 
 
    Việc tổ chức nghiên cứu và hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực giúp cho Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm thông tin, tài liệu để nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung liên quan đến công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân như mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra.
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
    Báo cáo nghiên cứu so sánh pháp luật về bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam đã phân tích, đánh giá pháp luật quốc tế và của các quốc gia: Thụy Điển, Singapore, New Zealand cho thấy, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là các thuộc tính làm nên bản chất tiến bộ của nền tư pháp văn minh; các thuộc tính này không những đảm bảo khách quan, công bằng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà còn tạo điều kiện để xã hội, người dân thực hiện quyền giám sát hoạt động tư pháp, thông qua đó góp phần bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người; vấn đề công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp đã và đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; yêu cầu cấp bách đặt ra trong thực hiện công khau, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là phải bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền bảo đảm tinh thần dân chủ, nhân quyền, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, phòng ngừa tham nhũng… đồng thời, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị, như: Huy động các nguồn lực cần và đủ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp; tiếp tục đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, kiến thức xã hội, khả năng ngoại ngữ vào nguồn thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh tư pháp; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồ dưỡng các chức danh tư pháp theo hướng thiết thực và sát với thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quản lý, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật; xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên; xây dựng các quy định cụ thể về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp, để Nhân dân dễ dàng tiếp cận thông tin và giám sát hoạt động tư pháp, trọng tâm là hoạt động xét xử; tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nguyên tắc công khai của tòa án các cấp; tạo điều kiện để các cơ quan truyền thông tham gia đưa tin về các phiên tòa xét xử…
 
    Cũng tại Hội thảo, Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cần đi đôi với việc cam kết chia sẻ thông tin, ngăn ngừa các hành vi sai trái;đây là các nguyên tắc căn bản để xây dựng Nhà nước pháp quyền, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tăng cường liêm chính tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cụ thể Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định định hướng phát triển này, Nghị quyết đã đề ra nhiều biện pháp trong đó có tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình;các tiến bộ, đổi mới có thể nhìn thấy được thông qua việc nhiều văn bản được ban hành, mức độ tuân thủ được nâng cao trong thời gian vừa qua...
 
    Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp có vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) đã hỗ trợ nhiều cơ quan tư pháp trong việc nâng cao tính liêm chính, tăng cường trách nhiệm giải trình. Đây là một phần quan trọng trong sứ mệnh của Liên minh Châu Âu. Thông qua sự phát triển của Nhà nước pháp quyền sẽ thúc đẩy thực hiện các nguyên tắc cơ bản về quyền con người. Có thể nói trong thời gian qua Việt Nam có nhiều cải cách trong hệ thống tư pháp nhằm đảm bảo sự liêm chính; Liên minh Châu Âu có những bộ quy tắc về đạo đức áp dụng chung, trong đó có Thụy Điển được nghiên cứu tại báo cáo tại Hội thảo;việc thúc đẩy số hoá và Toà án điện tử sẽ giúp người dân hiểu hơn về quyền con người, tăng cường vai trò phản biện xã hội. Ông Giorgio Aliberti bày tỏ sự tin tưởng rằng việc hợp tác sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai và đóng góp nhiều hơn cho nền Tư pháp tại Việt Nam.
 
    Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm, bổ ích của các đại biểu tham dự Hội thảo. Ban Tổ chức Hội thảo ghi nhận và tổng hợp đầy đủ các thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu để xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đặng Phước - Anh Hưng
.