Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Bảy, 11/02/2023, 06:57 [GMT+7]

    Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát;… Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(1), trong đó, khẳng định những nội dung đã được ghi trong Cương lĩnh năm 2011 của Đảng, nhấn mạnh vấn đề nêu gương của tổ chức đảng, đảng viên.

    Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X (Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2007) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã xác định các phương thức cụ thể sau: Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Đại hội lần thứ XIII của Đảng

    Như vậy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

    Trong lĩnh vực đấu tranh PCTN, TC, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được thể hiện thông qua một số nội dung cơ bản sau: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh PCTN, lãng phí”. “Công tác PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm”.
 
    Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng, công tác PCTN, TC mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC ngày 18/11/2022 đã nêu ra số liệu như sau: Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 07 Ủy viên Trung ương Đảng, 06 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 03 Ủy viên Trung ương Đảng; các địa phương đã miễn nhiệm 01 Chủ tịch HĐND tỉnh, 02 Chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định về miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật(2).
 
    Bên cạnh những kết quả khá tích cực thì công tác PCTN, TC vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(3).
 
    Thực hiện quan điểm của Đại hội XIII: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn sẽ giúp chúng ta đạt được những kết quả cao hơn. Hơn lúc nào hết, cần phải dựa vào dân, phát huy dân chủ vì: “Phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công(4). Điều này càng được khẳng định khi qua điều tra của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện vào cuối tháng 8/2020 cho thấy: “93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh PCTN”(5).
 
    Trong thời gian tới, để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với công tác PCTN, TC cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
 
    Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn. Khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không rõ trách nhiệm, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện. Tập trung nghiên cứu, thể chế thành luật và các văn bản dưới luật; xây dựng các quy định, quy chế của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với công tác PCTN, TC là phải củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Không chấp nhận việc mượn danh nghĩa “đổi mới” phương thức lãnh đạo, cầm quyền để làm suy yếu, giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng. 
 
    Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC. Chú trọng định hướng chính trị, tư tưởng; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tích cực đấu tranh PCTN, TC. Cần xác định nhân dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm trong mọi hoạt động của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với công tác PCTN, TC chính là để hiện thực hóa mục tiêu đó.
 
    Thứ ba, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với công tác PCTN, TC cần chú ý đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan PCTN, TC từ Trung ương đến cấp tỉnh đã và sẽ làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành bài bản, đồng bộ theo đúng phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Lựa chọn cán bộ vào cơ quan PCTN, TC cần phải rất cẩn thận, sáng suốt. Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, TC toàn tâm, toàn ý với công việc, thực sự trở thành “lá khiên, thanh bảo kiếm” bảo vệ chế độ.
 
    Thứ tư, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với công tác PCTN, TC cần chú ý việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là phương thức lãnh đạo của Đảng. Đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao kỹ năng kiểm tra, giám sát, bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ. Thực hiện giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm chính là góp phần tăng cường công tác đấu tranh PCTN, TC trong thời gian tới.
 
    Thứ năm, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với công tác PCTN, TC cần chú trọng phương thức nêu gương mà Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đề ra. Khi tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cần chú ý phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, chú trọng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên. Kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân đảng viên tiêu biểu, gương mẫu. Phát hiện, chấn chỉnh hành vi thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm chính là thực hiện phương thức nêu gương mà Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã chỉ ra.
 
    Thứ sáu, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với công tác PCTN, TC nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, khuyết điểm của Đảng trong phương thức lãnh đạo hiện nay, làm cho phương thức lãnh đạo cơ bản được nhận thức rõ hơn, cụ thể hóa hơn; thay đổi, linh hoạt sáng tạo cách thực hiện các hình thức, phương pháp lãnh đạo cho phù hợp với điều kiện mới; cần rà soát, xác định, loại bỏ những phương pháp, hình thức, quy định về phương thức lãnh đạo, cầm quyền không còn phù hợp, kém hoặc không có hiệu quả. Đổi mới phải kế thừa và phát triển những quan điểm, bài học truyền thống là một nguyên tắc. Cần quán triệt từ nhận thức lý luận đến việc hoàn thiện các quy chế, quy định.
 
    Thứ bảy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC nhằm góp phần đẩy mạnh cảỉ cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực đã tạo ra những thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Dân chủ và dân chủ hóa còn ngày càng trở thành mục tiêu và động lực, nội dung và phương thức của phát triển xã hội theo hướng bền vững. Những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách xuyên tạc tình hình và thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong bộ máy Đảng và Nhà nước, kích động, gây rối loạn xã hội để làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình như vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hướng tới mục tiêu Đảng có phương thức lãnh đạo, cầm quyền phù hợp hơn, khoa học hơn, hiệu quả hơn, khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm và góp phần tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN, TC để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thích ứng với sự phát triển của tình hình thế giới, của yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng hiện nay.
 
    (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG-ST, H.2021, t.1, tr.196-197.
    (2) https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/tong-bi-thu-chu-tri-hop-thuong-truc-ban-chi-dao-phong-chongtham-nhung.html.
    (3) https://www.vietnamplus.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/801297.vnp
    (4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.7, tr.362.
  (5) https://tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/93-can-bo-dang-vien-va-nhan-dan-tin-tuongvao-su-lanh-dao-chi-dao-cua-dang-trong-cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-130619.
PGS. TS. Lê Văn Cường (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
TS. Nguyễn Thành Lương (UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
.