Kiểm soát quyền lực, phòng, chống "Lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Thứ Năm, 29/09/2022, 06:39 [GMT+7]
Quyền lực luôn có xu hướng bị “tha hóa”, dẫn đến “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực nếu không được kiểm soát. Hậu quả của “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực khác đã rất nguy hại, nhưng hậu quả của “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật lại nguy hại hơn rất nhiều, bởi vì nó tác động đến kiến trúc thượng tầng, ảnh hưởng rất sâu rộng đến xã hội, không dễ gì bị phát hiện và xử lý được. Bởi vậy, “Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của ‘lợi ích nhóm”, “sân sau”...; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật”.
1. Nhận diện “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
1.1. “Lợi ích nhóm”: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Lợi ích nhóm” đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau..., đôi bên cùng có lợi, chung nhau làm ăn vì lợi ích cục bộ. Nhưng bây giờ nhiều khi không chỉ quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “đường dây”, “sự ăn cánh” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung”. Do đó, có thể hiểu “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật là lợi ích cục bộ, móc ngoặc, cấu kết với nhau trong công tác xây dựng pháp luật nhằm mang lại lợi ích nhất định cho một nhóm người, ảnh hưởng đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân(1). Biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong công tác Xây dựng pháp luật (XDPL) phải chăng là: (1) Lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật các văn bản pháp luật chỉ có lợi cho một nhóm người hoặc một cơ quan hoặc một tổ chức hoặc một địa phương hoặc một doanh nghiệp; (2) Tác động, gây ảnh hưởng hoặc lợi dụng, lạ m dụng quyền lực để đưa chính sách chỉ có lợi cho một nhóm người hoặc một cơ quan hoặc một tổ chức hoặc một địa phương hoặc một doanh nghiệp vào các văn bản pháp luật.
Quang cảnh Hội nghị góp ý kiến Đề án "Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án" (ảnh Đặng Phước) |
1.2. Tham nhũng: Là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi” (Khoản 1, Điều 3 Luật PCTN), trong đó vụ lợi được hiểu là “việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng” (Khoản 7, Điều 3 Luật PCTN). Theo đó, có thể hiểu tham nhũng trong công tác XDPL là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó trong công tác XDPL vì vụ lợi. Biểu hiện của tham nhũng trong công tác XDPL thường là dự thảo, thẩm định, thẩm tra, biểu quyết thông qua hoặc mua chuộc những chủ thể có thẩm quyền dự thảo, thẩm định, thẩm tra, biểu quyết thông qua dự thảo văn bản pháp luật theo hướng tạo cơ chế, chính sách hoặc kẽ hở của văn bản nhằm mục đích vụ lợi.
1.3. Tiêu cực: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC ngày 18/3/2021: “Không chỉ đấu tranh PCTN trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…”. Như vậy, có thể hiểu tiêu cực nói chung đó là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tiêu cực trong công tác XDPL đó là: (1) Xây dựng, ban hành văn bản pháp luật trái với chủ trương, chính sách của Đảng; (2) Thiếu trách nhiệm trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật dẫn đến sai sót hoặc sơ hở có thể bị lợi dụng để tham nhũng hoặc để lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước; (3) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn đưa các quy định, chính sách vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sau khi văn bản đã được thẩm định, thẩm tra hoặc ban hành, trình thông qua văn bản quy phạm pháp luật khi các quy định, chính sách đó chưa được đánh giá tác động; (4) Không cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong công tác XDPL, gây phương hại đến an ninh chính trị đất nước; (5) Để các đối tác nước ngoài áp đặt hoặc lợi dụng quan hệ hợp tác trong công tác XDPL nhằm can thiệp, hướng lái chính sách.
2. Các quy định của Đảng kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Đến thời điểm hiện nay, Đảng chưa có một văn bản riêng về kiểm soát quyền lực (KSQL), phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL. Tuy nhiên, trong các văn bản có liên quan về phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực nói chung, cũng như trong công tác XDPL nói riêng, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề này(2). Nội dung các quy định này gồm các vấn đề cơ bản sau:
2.1. Yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật
Kết luận số 83-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW” (tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW) yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật…”.
Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 23/10/2021 về những điều đảng viên không được làm quy định một trong những điều đảng viên không được làm là: “Chủ trì, tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...” (Điều 10); “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng” (Điều 1). Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm…”.
Quyết định số 216-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương quy định một trong những nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương là “Thẩm định hoặc tham gia ý kiến đối với các đề án, các chủ trương thuộc lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư” (Điểm 3, Điều 2); “Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp” (Tiết b, Điểm 2, Điều 2).
2.2. Xác định yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng nguyện vọng của nhân dân
Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” (Nghị quyết số 48-NQ/TW) yêu cầu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch…”. Kết luận số 83-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW” (tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW) yêu cầu: “Hoàn thiện quy trình xây dựng luật, chú ý quy định rõ trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia XDPL. Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp…”.
Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị ban hành “định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội XV” yêu cầu:
- “Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Đồng thời, siết chặt kỉ luật, kỉ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong XDPL; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
- Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy tình lập pháp. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia XDPL.
- Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”.
2.3. Đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu, có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật
Kết luận số 01-KL/TW, ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW (tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW) yêu cầu: “Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…”.
Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị ban hành “định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội XV” yêu cầu: “Khắc phục ngay tình trạng văn bản thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỉ luật, kỉ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong XDPL; chống tiêu cực ngay trong công tác XDPL, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
- Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy tình lập pháp. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến,
tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia XDPL”.
2.4. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh
Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 (Tổng kết hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020) yêu cầu “Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác XDPL, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”.
Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định một số hình thức về xử lý vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như khiển trách, cảnh cáo, giải tán tổ chức đảng đối với từng mức độ vi phạm.
3. Một số vấn đề đặt ra
Qua đánh giá chung cho thấy: Cho đến hiện nay vẫn chưa có một văn bản riêng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về KSQL, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL. Nội dung KSQL, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL trong các văn kiện của Đảng chưa được đề cập đầy đủ, cụ thể. Chưa có quy định về bắt buộc phải đánh giá tác động về “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong hồ sơ các dự án pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật Nhà nước còn chưa được thường xuyên, nhất là việc kiểm tra, giám sát về KSQL, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.
Việc thẩm định của các ban Đảng đối với các dự án pháp luật trước khi Quốc hội thông qua chủ yếu là tham gia ý kiến và cũng chưa tham gia ý kiến sâu về KSQL, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án pháp luật. Một số quy định về trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong quy trình XDPL, từ soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật chưa được đầy đủ và cụ thể. Thẩm quyền, quy trình thẩm định các đề án, dự án pháp luật của các ban Đảng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa được quy định cụ thể. Việc gửi hồ sơ các đề án, dự án pháp luật để lấy ý kiến các ban Đảng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có lúc còn gấp gáp, do đó, không có nhiều thời gian để thẩm định, tham gia ý kiến. Chưa có quy định cụ thể của Đảng về thẩm quyền, quy trình kiểm tra, giám sát đối với việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật của Nhà nước và thẩm quyền, quy trình kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc tổ chức thi hành pháp luật.
4. Kiến nghị các nội dung cần đưa vào dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”
Qua nghiên cứu, xin đề xuất đưa vào Quy định của Bộ Chính trị các nội dung sau:
(1) Quy định cụ thể các biểu hiện của “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.
(2) Quy định về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về KSQL, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL. Các dự án pháp luật liên quan đến an ninh, quốc phòng, hợp tác quốc tế, nội chính, PCTN hoặc dư luận xã hội quan tâm trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến hoặc trước khi được ban hành, thông qua, cần xin ý kiến cấp ủy đảng.
(3) Quy định cụ thể về thẩm quyền, quy trình thẩm định các đề án, dự án pháp luật của các ban Đảng Trung ương trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, bao gồm các nội dung chính như: Các đề án, dự án pháp luật phải thẩm định trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thẩm quyền của từng ban Đảng Trung ương có trách nhiệm thẩm định; quy trình thẩm định; trách nhiệm của cơ quan trình và trách nhiệm của cơ quan thẩm định đề án, dự án pháp luật; xử lý vi phạm…
(4) Quy định trong quá trình XDPL, cần có sự tham gia từ sớm của các cơ quan đảng Trung ương theo lĩnh vực công tác, chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong các đề án, dự án quan trọng, nhạy cảm.
(5) Quy định cụ thể việc đánh giá tác động về “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong hồ sơ các dự án pháp luật là bắt buộc.
(6) Quy định cụ thể về các biện phápkỷ luật về Đảng đối với việc vi phạm quy định của Bộ Chính trị về KSQL, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.
(1) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb. CTQG-ST, H.2015, tr.42.
(2) Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; Kết luận số 83-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW”; Quy chế làm việc của Đảng đoàn Quốc hội (ban hành theo Quyết định số 295-QĐ/TW, ngày 06/11/2015 của Bộ Chính trị); Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị ban hành “định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC; Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư “về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp”; Kết luận số 73-KL/TW, ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư về “việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW; “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (ban hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI); “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền” (ban hành theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI); Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 23/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…
|
ThS. Nguyễn Uyên Minh
(Ban Nội chính Trung ương)
(Ban Nội chính Trung ương)