Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng nhằm khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chủ Nhật, 18/09/2022, 06:15 [GMT+7]
    Phóng viên: Kính thưa đồng chí, qua gần 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Vậy, xin đồng chí cho biết, tại thời điểm này, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có ý nghĩa như thế nào trong công tác PCTN, tiêu cực?
 
    Đồng chí Nguyễn Xuân Trường: Có thể khẳng định rằng, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (năm 2013) đến nay, công tác PCTN, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao (93%), cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, khẳng định việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
 
    Mặc dù kết quả PCTN, tiêu cực thời gian qua đạt được là rất quan trọng, có sự chuyển biến mạnh mẽ, song công tác PCTN, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương. Những tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực ở địa phương chưa được tập trung, thống nhất do chưa có một “nhạc trưởng” “tổng chỉ huy” để chỉ đạo phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ PCTN, tiêu cực.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương (ảnh Đặng Phước)
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương (ảnh Đặng Phước)
    Thực tế là, với tính chất “một phong trào, một xu thế”, số lượng các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực mà các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý hiện nay rất lớn, chỉ riêng năm 2021, con cố này là 698 vụ. Do vậy, thành lập ban chỉ đạo giúp ban thường vụ chỉ đạo các vụ án, vụ việc này sẽ là sự chuyên trách hóa, chuyên nghiệp hóa, tập trung, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm… chắc chắn hiệu quả sẽ nâng lên.
 
    Như vậy, thực tiễn đã cho thấy, chúng ta có đủ cơ sở để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đủ mạnh để chỉ đạo, lãnh đạo công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất và toàn diện của tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương đối với công tác PCTN, tiêu cực. 
 
    Trong không khí “không dừng”, “không nghỉ”, cả hệ thống chính trị vào cuộc để PCTN, tiêu cực, quyết tâm chính trị và sự ủng hộ xã hội mạnh mẽ đối với hoạt động PCTN, tiêu cực thì đây là thời điểm “chín muồi” để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. Mục đích của sự thay đổi này nhằm: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, tăng cường tính độc lập tương đối của Ban Chỉ đạo với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.
 
    Phóng viên: Qua nghiên cứu, theo dõi các địa phương, đồng chí đánh giá thế nào về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở các tỉnh, thành phố hiện nay?
 
    Đồng chí Nguyễn Xuân Trường: Tôi xin bắt đầu trả lời từ con số: Khi tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: 66% số người được hỏi cho rằng số vụ tham nhũng đã bị phát hiện vừa qua chỉ là số ít so với số vụ tham nhũng xảy ra. Và trong 04 năm 2017-2020, có đến hàng chục địa phương cả năm không khởi tố, điều tra mới vụ án tham nhũng nào. Ví dụ: Năm 2017: Tuyên Quang, Hải Dương, Lạng Sơn, Bình Dương; Năm 2018: Đà Nẵng, Tiền Giang, Tuyên Quang; Năm 2019: Đồng Nai, Bến Tre; Năm 2020: Bình Dương, Vĩnh Long.
 
    Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, “công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế”. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, theo Kết luận Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đánh giá: Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Đến nay, 100% các địa phương đã có khởi tố, xử lý các vụ án tham nhũng; nhiều địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, như: Đồng Nai, An Giang, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Hà Nội, Sơn La… Trung bình mỗi địa phương năm 2021 khởi tố, điều tra 6,2 vụ án tham nhũng, với 16 bị can. Các địa phương khởi tố, điều tra nhiều án tham nhũng là: Thanh Hóa 11 vụ/32 bị can; Bắc Giang 11 vụ/22 bị can; Hà Nội 14 vụ/13 bị can; Gia Lai 11 vụ/26 bị can; Phú Thọ 14 vụ/22 bị can; Quảng Ninh 12 vụ/44 bị can; Đà Nẵng 11 vụ/17 bị can…
 
    Những chuyển biến khả quan đó còn thể hiện qua những con số, như: (1) Năm 2021, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định, tăng hơn 03 lần so với các năm trước đó: năm 2018 chuyển 101 vụ; năm 2019 chuyển 98 vụ; năm 2020 chuyển 102 vụ. Nhiều vụ chuyển ngay trong quá trình đang thanh tra. (2) Năm 2021, khởi tố, điều tra 3.725 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ/7.066 bị can, tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020. Riêng án tham nhũng 390 vụ/1.011 bị can (trung bình những năm trước khoảng 270 vụ, 800 đối tượng). 
 
    Phóng viên: Để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động hiệu quả, thực chất thì cần có điều kiện gì, thưa đồng chí?
 
    Đồng chí Nguyễn Xuân Trường: Theo chúng tôi, ba yếu tố quan trọng để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thực chất, hiệu quả:
 
    Một là, Ban Chỉ đạo Trung ương cần chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tăng cường giao nhiệm vụ thông qua những vụ án, vụ việc cụ thể. Điều này giúp Ban Chỉ đạo địa phương vừa có chỗ dựa vững chắc về chính trị, vừa khắc phục được tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, lợi ích cục bộ ở địa phương…
 
    Hai là, đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải thực sự trong sáng, công tâm, khách quan, nêu gương, nói đi đôi với làm, phải có đủ dũng khí, đặt giá trị, lợi ích công lên trên tư, công trước tư sau, vì công mà quên tư. 
 
    Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nhân dân và cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chỉ đạo, từ đó họ tin tưởng, trở thành những đôi mắt, cánh tay giúp Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả.
 
    Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào ngay sau khi được thành lập để nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”?
 
    Đồng chí Nguyễn Xuân Trường: Yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực, trọng tâm là đẩy mạnh đấu tranh PCTN, tiêu cực; gắn đấu tranh PCTN với phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; đồng thời, yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực khi thành lập sẽ giải quyết những vấn đề trọng tâm nêu trên, cụ thể là bốn vấn đề sau: 
 
    Một là, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đây là nội dung đầu tiên cần đặt trọng tâm hàng đầu trong nhiệm vụ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, bởi vì từ thực tiễn kinh nghiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã cho thấy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã tạo ra những kết quả PCTN, tiêu cực mang tính đột phá, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm liên quan đến các vụ án. Kết quả xử lý cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc loại trừ tham nhũng, nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xử lý tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta.
 
    Hai là, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đây chính là nội dung mới mà Đảng ta đã giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, bên cạnh xử lý tham nhũng thì phải tập trung xử lý tiêu cực, nhất là xử lý những hành vi thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguồn gốc, căn nguyên gây ra tham nhũng, tiêu cực. Do đó, chống suy thoái chính là chống tham nhũng, tiêu cực từ cái gốc.
    
    Ba là, chỉ đạo xử lý các vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Ngoài quan tâm đến xử lý tham nhũng lớn, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực khi được thành lập cũng phải quan tâm xử lý “tham nhũng vặt”. Hiện nay, “tham nhũng vặt” xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công quyền tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Nhiều cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn có tư tưởng làm ơn, ban phát, có qua có lại “muốn ăn chân giò phải thò chai rượu” nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công hiện chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tổng hợp kiến nghị của cử tri tại nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm. 
 
    Trong khi đó, “tham nhũng vặt” có tác động lớn và trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người nghèo, tạo ra những rủi ro về mặt thủ tục pháp lý (làm chậm hoặc sai lệch các quy trình, thủ tục hành chính), làm nản lòng các nhà đầu tư, phá hoại môi trường kinh doanh của quốc gia và suy giảm lòng tin của nhân dân. Do vậy, nội dung này cần được đưa vào là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.
 
    Bốn là, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực tại địa phương. Việc kiểm tra, giám sát là để phòng ngừa và kịp thời xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực và các sai phạm có liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực. Nếu được tiến hành thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc vào các cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực, giàu nhanh, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ phục vụ đắc lực cho việc“kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.
 
    Trước mắt, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực khi được thành lập sẽ tiến hành ngay một số công việc sau:
 
    (1) Chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; quyết định phân công nhiệm vụ các Thành viên; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực trọng tâm năm 2022 và thời gian tới.
 
    (2) Chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát và xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với các cơ quan hữu quan, như: Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh (thành phố), Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (thành phố), Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố), Đảng ủy Thanh tra tỉnh (thành phố) và Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy (thành ủy)…
 
    (3) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương.
 
    (4) Chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhất là kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kiểm tra chuyên đề về PCTN, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, thuế, hải quan, đất đai.
 
    (5) Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm,
siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương.
 
    Xin cảm ơn đồng chí!n
(Thu Huyền thực hiện)
.